Công bố lưu hành giống cây trồng với tên Hakodae Orgavina.
Trà hoa vàng thuộc họ chè (Theaceae), chi trà (Camellia chrysantha), các tên gọi khác: Trà rừng, kim hoa trà, trà trường thọ... là một loại cây quý vừa có thể làm cây cảnh vì hoa rất đẹp, lại vừa là cây dược liệu. Trà hoa vàng chủ yếu phân bố ở Việt Nam và Trung Quốc. Đây là một trong những loại cây lâu năm, phải trồng hơn 3 năm mới thu hoạch được lá trà hoa vàng.
Trong những năm qua, huyện Sóc Sơn (TP. Hà Nội) không ngừng đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Cũng nhờ cách làm hiệu quả này, huyện Sóc Sơn đã hình thành được các vùng nông nghiệp chuyên canh khép kín, mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản. Trong đó có chuỗi sản xuất trà hoa vàng Nam Sơn.
Chia sẻ về hiệu quả phát triển mô hình cây dược liệu trà hoa vàng, Thạc sĩ Phạm Thị Lý - Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển - Đơn vị nghiên cứu và đề xuất mô hình chuỗi liên kết 5N cho biết: Chè hoa vàng là loài cây quý hiếm, có nhiều giá trị để lấy hoa và lá để làm dược liệu, có thể làm cây trồng tầng dưới ở các đai rừng phòng hộ, trồng làm cây cảnh và làm đồ uống cao cấp, có tác dụng phòng và chống các bệnh huyết áp, tim mạch, tiểu đường, u bướu.
Ông Hoàng Văn Chung - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Sơn và bà Phạm Hải Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.
Năm 2020 khi triển khai Dự án bảo tồn Nam Dược Nhất Dương Sinh tại Sóc Sơn, Th.S Phạm Thị Lý và các cộng sự tại Liên hiệp Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ và Dược liệu Việt Nam – chi nhánh Hà Nội đã lựa chọn một số loài cây dược liệu trong sách đỏ Việt Nam về trồng dưới tán rừng Nam Sơn để xây dựng một mô hình đa hệ sinh học dược liệu dưới tán rừng. Trà hoa vàng bản địa của dãy núi Tam Đảo là một trong các lựa chọn của bà Phạm Thị Lý và cộng sự.
Từ những phát hiện và nghiên cứu trước đó của PGS. Trần Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm bộ môn Thực vật, khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, trong quá trình sưu tầm và bảo tồn một số cây ban đầu, bà Phạm Thị Lý và các thành viên nhận thấy loài trà hoa vàng Hakodae hương thơm, vị đượm trên dãy Tam Đảo khi trồng tại Nam Sơn, Sóc Sơn cho chất lượng vượt trội và hoàn toàn có thể phát triển thành một vùng sản xuất chuyên canh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Thủ đô và cả nước nếu chính quyền địa phương và người dân Nam Sơn cùng tham gia vào cuộc.
Sau rất nhiều nỗ lực của bà Lý và cộng sự, từ những cây trà Hakodae cổ thụ trong đó có những cây có tuổi đời hàng trăm tuổi mà bà Lý sưu tầm và bảo tồn, bà Phạm Thị Lý và cộng sự đã chọn được những hạt giống quý để ươm hạt, tuyển lựa, chăm sóc và công bố lưu hành giống cây trồng với tên Hakodae Orgavina. (Hakodae là loài Hakodae bản địa Tam Đảo; Orgavina là viết tắt của giải pháp hữu cơ vi sinh Việt Nam, nghĩa là giống cây trà hoa vàng Hakodae được trồng bằng phương pháp hữu cơ vi sinh). Hakodae Orgavina đã được công bố lưu hành để đủ điều kiện trồng và phát triển theo luật trồng trọt tại Việt Nam.
Bà Phạm Thị Lý - Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển - Đơn vị nghiên cứu và đề xuất mô hình chuỗi liên kết 5N và cụ bà Mai Thị Dần, Doanh nhân văn hóa– Chủ tịch Công ty Ngọc Dần phát biểu tại Hội nghị.
Cũng theo chia sẻ bà Mai Thị Dần, Doanh nhân văn hóa– Chủ tịch Công ty Ngọc Dần cho biết: Tôi là một nông dân, yêu quý môi trường xanh, sạch đẹp và yêu quý nguồn dược liệu quý hiếm của dân tộc Việt Nam và đã gắn bó với núi rừng Nam Sơn đến nay đã gần 20 năm…. Từ đó tôi cùng nhân dân, cùng các nhà khoa học nghiên cứu về dược liệu, chè hoa vàng,…Ngoài chè hoa vàng có đặc tính riêng của nó còn có giá trị văn hóa, xã hội và văn hóa tâm linh,…
Tại hội nghị triển khai, thực hiện chương trình liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, bao tiêu trà hoa vàng Hakodae Orgavina đã diễn ra lễ ký kết giữa các bên cùng tham gia gồm: Ủy ban Nhân dân xã Nam Sơn (Xây dựng chính sách phát triển và hỗ trợ liên kết chuỗi bền vững); Hộ kinh doanh Mai Thị Dần (Chế biến và tiêu thụ); Liên hiệp Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ và Dược liệu Việt Nam (Trồng, cung cấp đầu vào và thu mua tiêu thụ); Công ty TNHH sâm Nhất Dương Sinh (Cung cấp giải pháp khoa học công nghệ, đồng hành xây dựng chiến lược phát triển, xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu) và 1765 nông dân xã Nam Sơn đăng ký tham gia liên kết sản xuất.
Lễ ký kết hợp tác nhằm triển khai, thực hiện chương trình liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, bao tiêu trà hoa vàng Hakodae Orgavina tại xã Nam Sơn.
Các bên liên quan đã thống nhất về việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản xuất trà hoa vàng tại xã Nam Sơn, nhằm đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và gia tăng giá trị kinh tế cho người nông dân.
Việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất trà hoa vàng Nam Sơn không chỉ là bước tiến trong việc phát triển sản phẩm nông sản đặc trưng của vùng đất Nam Sơn, mà còn thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm chất lượng và tăng trưởng kinh tế cho bà con nông dân.
Các đại biểu tham quan mô hình trồng và chuỗi sản xuất, chế biến,...trà hoa vàng Hakodae Orgavina tại xã Nam Sơn.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Phạm Hải Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội đánh giá cao sự phối hợp giữa các bên trong việc xây dựng và triển khai mô hình chuỗi liên kết này.
Đồng chí nhấn mạnh: Hội Nông dân thành phố sẽ tiếp tục đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp và nông dân trong việc phát triển các sản phẩm nông sản đặc thù, tạo đầu ra ổn định và nâng cao đời sống cho người dân.
Đồng chí cũng đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường hỗ trợ về kỹ thuật, kêu gọi đầu tư và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm trà hoa vàng Nam Sơn nói riêng và nông sản Thủ đô nói chung.
Vũ Thành - Vương Hưởng
Tin tức khác