Thời gian 23/11/2024 1:13 SA (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Giá trị đích thực của một cây cảnh nghệ thuật

Dương Tiên, Quốc Anh

Cây cảnh nghệ thuật không chỉ trồng lâu năm mà có, mà phải có sự tác động nghệ thuật của con người. Không có một ý tưởng táo bạo, một sức lao động sáng tạo của con người thì cũng chỉ là một cây tự nhiên có nhiều năm tuổi mà thôi

Vì vậy làm cây cảnh nghệ thuật đòi hỏi người nghệ nhân - nghệ sĩ luôn phải tìm tòi ra cái đặc sắc mới lạ mà vẫn phù hợp với thiên nhiên, sáng tạo từ những thảo mộc trong thiên nhiên trở thành tác phẩm nghệ thuật đạt được  những tiêu chí cơ bản về “cổ- kỳ- mỹ” trong đó mang đậm dấu ấn tâm hồn- khát vọng của người nghệ sĩ vươn tới cái đẹp.

Để có được cái “cổ” thì không chỉ trông chờ cái có sẵn ở tự nhiên, người làm nghệ thuật cây cảnh phải biết hoá cây trẻ thành cổ thụ, cũng như trong sân khấu điện ảnh người ta hoá trang từ một diên viên trẻ thành một cụ già với đầy đủ tính cách đặc sắc của vai diễn. Giá trị nghệ thuật ở cây cảnh không lệ thuộc vào kích cỡ cây đó to hay nhỏ. Một điều nghịch lý hiện nay ở một số người là khi nghe có ai đó mua được một cây cảnh thì câu hỏi cửa miệng của họ thường là: cây ấy to không? Đây là cái nhìn không mỹ thuật! Tại sao chẳng hỏi nhau là: có đẹp không? có nghệ thuật không? Thiết nghĩ phải đặt cái “mỹ” lên hàng đầu mới đúng vì ta chơi cây cảnh nghệ thuật là thuởng thức cái thần thái nghệ thuật chứ đâu có so đo to nhỏ. Mà đã nói đến nghệ thuật thì trẻ mà sắm vai cụ già thành công mới là tài nghệ. 

Qua những cái nhìn lệch lạc thiếu nghệ thuật kể trên thì thấy họ chưa đánh giá đúng mức về giá trị đích thực của một cây cảnh nghệ thuật đặc biệt là cây cảnh nghệ thuật mi ni- Nó biểu hiện rất rõ trong giá trị kinh tế ở cây mi ni của ta quá rẻ so với cây hạng đại và cực đại. Cây hạng trung – tiểu dù tạo hình rất nghệ thuật cũng chỉ có giá từ vài chục triệu đồng nhưng so với một cây hạng đại và cực đại thường là cây khai thác ngoài tự nhiên còn đầy những sẹo cưa cắt thì lại có giá hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Làm thành công một cây cảnh nghệ thuật hạng trung, tiểu không dễ dàng, nó thường được gieo trồng từ hạt, tốn nhiều thời gian, tốn nhiều công sức uốn sửa, tạo tác nghệ thuật mới đạt được 3 tiêu chí: Cổ- kỳ- mỹ mà ít người làm nổi. Cũng vì cách nhìn nhận đó mà  rất nhiều người bỏ lúa  để trồng rừng và chỉ mong làm soa cho cây mau lớn, có bộ rễ xòe như chiếc nơm mà không biết rằng to lớn đâu phải là thước đo cho cây cảnh nghệ thuật. 

Mặt khác lịch sử ra đời của loại hình nghệ thuật độc đáo này là “thu nhỏ thiên nhiên trong gang tấc” và trong cái gang tấc ấy chứa đựng được cái thần thái cũng như cái đẹp bao la hùng vĩ của thiên nhiên để con người luôn được gần gũi đắm mình trong thưởng ngoạn. Vì vậy việc thu nhỏ thiên nhiên là mục tiêu tối thượng của loại hình nghệ thuật này. Nếu lấy cái to lớn của những cây cảnh làm thước đo giá trị, đặc biệt đối với những cây khai thác ngoài thiên nhiên tuy có hình hài và một vài đường nét kỳ lạ đem về cưa thân cắt cành nuôi dưỡng rồi lên chậu để sửa thành cây cảnh nghệ thuật phải chăng là đi ngược lại tiêu chí cơ bản. Tối thượng của loại hình cây cảnh nghệ thuật độc đáo đặc sắc đã tồn tại hàng ngàn năm. Phải chăng có sự lầm lẫn giữa cây cảnh nghệ thuật đích thực với cây trang trí mang nặng  tính chất của cây xanh  môi trường. Không phải  bất cứ cây xanh to lớn nào có sự cắt xén uốn nắn tức là có sự tác động của con người đều được coi là cây cảnh nghệ thuật.

Theo Tạp chí VNHS

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng