Nguyễn Tiến Thành
Ở cơ sở không hiếm cây cảnh đẹp. Người thưởng ngoạn bị bắt mắt bởi dáng thế đẹp của cây, lại được đôn lên bởi những chậu gốm sứ giả Tàu giả Nhật đang thịnh hành.
Nếu là cây “mịn” thì chả nói làm gì. Phiền nỗi những vết cắt khá lớn, có từ thưở tạo hình ban đầu vẫn lưu lại hết năm này qua năm khác, cố tình “chướng ra than vãn” với khách thưởng ngoạn.
Lật giở những cây in trong tạp chí chuyên ngành, thỉnh thoảng cũng bắt gặp hiện tượng này qua các kỳ triển lãm. Đành rằng vết cắt liền sẹo phải có thời gian nhưng nguyên nhân cây lâu liên sẹo là bệnh nóng vội. Vì muốn “chơi ngay”, người làm sớm quên vết cắt tạo hình là những vết thướng rất nặng, lẽ ra phải huy động những điều kiện tốt nhất để làm lành, người ta lại vội vã “tống” cây vào những cái chậu trông thì hài hòa giữa chậu và cây, nhưng vô cùng chật hẹp, không khác “cỗ quan tài”, đến mức rễ cây muốn cựa cũng khó và nguồn thức ăn đương nhiên chỉ ở mức giữ cho cây khỏi “chết”. Đúng ra phải trồng lại xuống đất. Trồng trong bồn chậu cũng được nhưng bồn chậu để nuôi cây phải to hơn nhiều so với tỷ lệ cây đó. Lượng phân mùn cũng phải thừa thãi, trong 2, 3 năm cứ để cây “an cư” phát triển thoải mái. Cây càng nhiêu rễ, càng rậm tàn, rậm tán càng tốt. Nguyên lý rễ càng lắm càng hút đuợc nhiêu chất nuôi cây, làm vỏ cây phát triển mạnh, lấp vết sẹo nhanh.
Khi vết cắt liền hẳn sẹo, hoặc chí ít đạt ở cấp độ “mắt lươn” sẽ lại tiến hành công việc chỉnh hình “húi tóc cạo râu” cho cây. Thêm vài chu kỳ “làm kỹ” nữa, bao gồm cả “xử lý” gọn bộ rễ. Lúc này cây đã hoàn hảo hãy đưa cây trở lại chậu “nghệ thuật” thích hợp với cây. Có thế mới thực sự đúng tinh thần “cây lên chậu như hoàng hậu lên ngôi”.
“Điều trị sẹo cây” không phải phát minh của một cá nhân nào. Những người làm cây cảnh có nghề đều biết. Do bệnh nóng vội, một số người tự tạo cho mình tập quán “bỏ qua quy trình” dẫn đến hệ lụy. Việc này chẳng khác trong nhà có cô con gái đẹp đến tuổi lấy chồng, ác cái vết sẹo lớn trên gương mặt khả ái ngăn cô không đến được với ý chung nhân. Chỉ có thể trách những người sinh ra cô, lẽ ra phải đưa con họ đến thẩm mỹ viện từ lâu mới phải. Thật tai hại khi vội vã đem những cây cảnh chưa hoàn chỉnh còn đầy những vết sẹo để đi trưng bày triển lãm, như vậy đã vô tinh hướng người chơi không có nhu cầu đòi hỏi cây cảnh có chất luợng cao, cũng có nghĩa là hạ thấp thẩm mỹ của người chơi. Tập quán này rất không tốt cho đường hướng phát triển cây cảnh nước nhà.
Trên đây là đối với những cây còn đang độ thanh xuân. Đối với cây đã già cỗi thì việc cắt cành to hay cắt một đoạn thân, vết cắt thường rất lớn và không có khả năng mím sẹo. Trường hợp này có thể tạo thành các vết lũa tự nhiên để làm tăng về phong sương của cây.
Một cây cảnh đẹp, không thể thiếu một trong những yếu tố đặc biệt là cây phải“ mịn’ ’phải hoàn chỉnh, có thế mới làm tăng giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế của cây.
Theo Tạp chí VNHS
Tin tức khác