Thời gian 22/11/2024 9:35 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Đánh giá một tác phẩm bonsai nghệ thuật

Làm thế nào để thẩm định 1 tác phẩm bon sai nghệ thuật ! Đây có lẽ là 1 trong những vấn đề khó khăn trong công việc thẩm định 1 tác phẩm.



Trong thi đấu thể thao và hội thi nghệ thuật, đối với những môn thi không xác định thành tích bằng số liệu cụ thể khách quan mà bằng điểm đánh giá của trọng tài, của ban giám khảo, thì thường được gọi là những môn thi ”nhạy cảm”. Hội thi Bonsai thuộc loại này, vì Bonsai là một dạng nghệ thuật nuôi trồng cây cảnh.

Sự nhạy cảm ở đây nằm trong công tác thẩm định tác phẩm của ban giám khảo đa phần còn nặng tính chủ quan. Ban tổ chức các hội thi luôn tìm cách giảm thiểu tối đa những sai sót (vô tình hoặc cố ý) của ban giám khảo bằng nhiều biện pháp như: xây dựng than điểm, chọn giám khảo có năng lực chuyên môn và uy tín, bố trí giám khảo trung lập, tăng cường số lượng giám khảo, bỏ các điểm số lớn nhất và nhỏ nhất hoặc có cách biệt quá lớn so với điểm số còn lại… Tuy nhiên sau mỗi lần hội thi, ban tổ chức thường nhận những lời khiếu nại, trách móc, mỉa mai của khách thưởng ngoạn, nhất là của những chủ nhân những tác phẩm không đoạt giải. Điều này xuất phát từ nhiều lý do, trong đó chủ yếu vì thang điểm chưa thật khoa học.

Qua nghiên cứu các thang điểm đánh giá Bonsai tại các Kỳ Hội Hoa Xuân TPHCM, tôi thấy nó liên tục được điều chỉnh ngày càng hợp lý hơn. Tuy nhiên có nhược điểm cơ bản là rất nhiều chi tiết. Chẳng hạn, thang điểm Bonsai Hội Hoa Xuân 2003 ( tổng quát 30 điểm, chi tiết 50 điểm, trong đó gốc rễ 15 điểm, thân 15 điểm, cành 15 điểm, lá 5, cổ lão 15, chủng loại 5). Nếu bộ rễ cây trực chưa lan tỏa đủ các hướng, thân cây còn sẹo quá mới, độ lớn của cành chưa hài hòa với thân, tán lá quá dày đặc… thì mỗi lỗi bị trừ đi bao nhiêu điểm? Chính yếu tố chưa khoa học này làm cho việc thẩm định tác phẩm Bonsai nặng tính chủ quan, thiếu minh bạch, dễ rơi vào tình trạng cho hoặc trừ điểm tùy tiện. Hệ quả là ban giám khảo dễ dàng “vạch lá tìm sâu” những tác phẩm không đạt giải để biện minh cho sự thẩm định của mình. Chủ nhân những tác phẩm không “tâm phục khẩu phục” mà không đủ cơ sở để phản biện. Người thưởng ngoạn mất cơ hội học hỏi nghiên cứu các tác phẩm đáng ra được chọn làm điền hình trong đợt trưng bày, thậm chí gây ra một số ngộ nhận cho người chơi từ sự đánh giá chưa chuẩn xác… Các nhà tổ chức hội thi thường biện hộ rằng sai sót là không thể tránh khỏi. Thế nhưng nghệ thuật sẽ bị hủy hoại nếu cứ mãi có những sai sót do cảm tình của người cầm cân nảy mực.

Ở một tác phẩm Bonsai, tất cả các yếu tố rễ, thân, cành, lá, chậu và sự hài hòa giữa các yếu tố này đều có tầm quan trọng nhất định. Chúng ta cần lượng hóa mức độ quan trọng của chúng đến từng chi tiết bằng điểm số cụ thể. Đây là một vấn đề gây ra nhiều tranh cải vì quan điểm thẩm mỹ và mức độ cảm thụ của mỗi người khác nhau. Bài này xin trình bày quan điểm về vẻ đẹp Bonsai mà tôi tán đồng và đề xuất than điểm đánh giá.

Tiêu chuẩn về cái đẹp là vô cùng. Để tránh lạc lối ta nên bắt đầu từ định nghĩa: Bonsai là cây trồng trong chậu nhưng mang dáng vẻ cổ thụ ngoài thiên nhiên. Trước hết Bonsai phải đạt tiêu chuẩn cơ bản là tính cổ lão. Cây cảnh nghệ thuật nhất thiết phải là cổ thụ, càng cổ thụ càng có giá trị thẩm mỹ cao. Bên cạnh, Bonsai phải có tính thiên nhiên. Nghệ thuật Bonsai là nghệ thuật bắt chước, mô phỏng thiên nhiên, càng gần với thiên nhiên thì giá trị tác phẩm càng cao. Không phải vẻ nào của thiên nhiên cũng đẹp. Người tạo tác vì thế không sao chép thiên nhiên một cách máy móc, giản đơn. Họ cần có sự lựa chọn tinh tường, lược bỏ các chi tiết rườm rà, chắt lọc tối đa những nét độc đáo, tinh tế nhất đưa vào cây cảnh để nâng tác phẩm tới mức đẹp hơn cái đẹp của thiên nhiên. Tác phẩm Bonsai được đánh giá cao là tác phẩm “nhân tạo như thiên thành” nghĩa là có sự can thiệp của con người nhưng không để lộ sự can thiệp đó. Các vết tích tác động lộ liễu như cưa, cắt, đục đẽo, lột vỏ, quấn dây… phải đúng kỹ thuật, đúng thời điểm và được xóa đi theo thời gian. Bonsai được cấu thành từ nhiều yếu tố (rễ, thân, cành, lá, chậu… ) nên các yếu tố này phải hài hòa. Như vậy ta có thể xác định 3 tiêu chuẩn chính quyết định giá trị thẩm mỹ Bonsai là: Tính cổ lão, tính thiên nhiên và tính hài hòa.

Từ hình ảnh cổ thụ đẹp trong thiên nhiên, chúng ta có thể rút ra những chỉ dẫn về mặt mỹ thuật trong tạo tác và thẩm định tác phẩm Bonsai như sau:

Rễ:

Đây là phần khó tìm được theo ý muốn và sự thay đổi cấu trúc rễ là một việc rất khó khăn. Bộ rễ cần đạt tiêu chuẩn sau đây: Bộ rễ phải phù hợp với thế cây. Cây thế đứng, rễ phải tỏa đều quanh gốc. Các cây thế nghiêng, nằm, thòng có thân đỗ về một phía, bộ rễ chủ yếu nổi gồ nghịch với hướng thân, tạo cảm giác cân bằng, vững chãi cho cây.

Bộ rễ lộ căn mới thể hiện tính cổ lão, biểu đạt sự trường thọ, vì theo thời gian đất bị rửa trôi. Phần lộ căn không cao lêu nghêu mà phải bám sát đất và lan tỏa các hướng. Phần cuối các rễ ngang mọc ra từ thân có phân nhánh rễ nhỏ bấu sát vào đất, thể hiện sự dồi dào sinh lực và vững vàng bám chặt mặt đất nuôi sống cây.

Ngoài ra, ta cần chú ý thêm các tiêu chuẩn: bộ rễ không được rối tung, đan chéo nhau; rễ lớn không được đâm thẳng mặt tiền. Độ đồng đều các rễ ngang; Các vết sẹo đã liền da hoặc các mép ngoài của sẹo đã lợi da (tùy chủng loại cây dễ hoặc khó liền da).

 Thân:

- Quý nhất là dạng thân liền lạc với gốc, thân nở to và thuôn dần lên đến ngọn theo tỷ lệ hợp lý để tạo vẻ uy nghi cho tác phẩm. Không cho phép chuyển đột ngột hai đoạn thân to, nhỏ quá chênh lệch. Một nhược điểm thường thấy ở Bonsai tạo tác theo kiểu “mỳ ăn liền” hoặc không am tường kỹ thuật là giữa phần thân cây già bị cắt ngang và thân cây mới tạo thành, chưa và khó có thể tạo thành một chỉnh thể hoàn hảo, đem lại cho người xem một cảm giác chấp vá. Các Bonsai nuôi dưỡng chưa đủ thời gian cũng có nhược điểm phổ biến là đoạn thân đỡ ngọn chưa tương xứng với đoạn thân tiếp giáp phía dưới.

- Thân cây có tính cổ lão: tính chất này thường đọng rõ nhất ở thân: thân cây gân guốc hoặc có nhiều u bướu hang hốc; vỏ cây sần sùi, nức nẻ hoặc trơn láng; vỏ cây bị tróc, mép ngoài đã kéo da, phần trong lộ thân lũa; những vết sẹo kéo liền da… đó là những dấu tích đau thương nếm trải cuộc đời nhưng vẫn bất diệt, khắc khổ mà vẫn vươn lên.

- Thân cây có đường nét cương nghị, hùng tráng, trang nghiêm với các nhịp chuyển dứt khoát, hoặc uốn lượn uyển chuyển, duyên dáng, bay bướm.

- Thân cây cân xứng với bộ rễ.

- Thân cây không mang sẹo lớn ở mặt tiền.

- Thân cây không ưỡn bụng ra phía trước, chỉ nên phơi bày mặt phẳng hoặc lõm để có cảm giác chiều sâu cho tác phẩm.

- Cây có chiều cao hài hòa với đường kính thân. Tỷ lệ lý tưởng là chiều cao cây gấp 5 -7 lần đường kính thân nơi tiếp giáp với rễ.

- Đoạn thân ở phần ngọn nên bố trí hướng nhẹ về phía mặt tiền để thể hiện sự tôn trọng người xem.

- Thân cây bị đánh giá là phạm luật tạo hình Bonsai khi nó bị
”phá thế”, nghĩa là đoạn thân trên lớn hơn thân dưới.

Cành:

Cành được phân nhánh Mỹ thuật: Có nhánh hướng bên này, bên kia, có nhánh hơi nhô cao ở giữa, các nhánh không mọc kiểu xương cá, các nhánh xuất phát từ “điểm dương” của cành, hướng lượn của cành nhánh dích dắc… Phần lớn Bonsai mà tôi thấy có nhược điểm là cấu trúc của bộ cành chỉ hướng đến mục đích lấp đầy không gian của khối tán cành lá, vì vậy nó chưa có tính thẩm mỹ cao.

Độ lớn của cành hài hòa với độ lớn của thân nơi cành xuất phát (từ 1/5 – 1/3 thân cây). Do thân cây thuôn dần từ gốc đến ngọn, nên càng lên cao cành càng nhỏ dần. Chỉ những cây được nuôi dưỡng đúng kỹ thuật và trải qua thời gian khá dài mới có được những bộ cành cứng cáp, cổ lão.

Khoảng cách giữa các cành được thu dần một cách hợp lý nhằm tạo vẻ tự nhiên cho cây, đồng thời tạo cơ sở cho sự thoáng đạt, nhưng đầy đặn ấm cúng của bộ tàn lá. Đáp ứng yêu cầu này, đoạn 1 ( từ gốc đến điểm xuất phát cành một) phải dài hơn đoạn 2 (từ điểm xuất phát cành một đến điểm xuất phát cành hai), đoạn 2 phải dài hơn đoạn 3… Như vậy nếu Bonsai có 4 tàn, một ngọn thì cần có 5 đoạn ngắn dần khi lên cao. Tạo được Bonsai đạt tiêu chuẩn này, bên cạnh sự am tường kỹ thuật nuôi dưỡng cây sung mãn, cần có duyên may trời cho, các tược non dùng để tạo cành mọc đúng chỗ theo ý muốn. Tôi được biết ở một số địa phương có quan điểm thoáng hơn là chỉ cần khoảng cách giữa 3 cành chính (1, 2, 3, ) đạt tiêu chuẩn này là đủ, các cành phía trên được phép du di. Một số địa phương khác lại cho rằng có thể uốn cành để nâng tán lá lên hoặc hạ xuống đôi chút nhằm tạo vẻ hài hòa hợp tác phẩm. Tôi không tán thành các quan điểm này và các bạn cho rằng tôi quá khắt khe . Nhưng không khắt khe thì khó có thể đánh giá được tài của người chơi. “nghề chơi cũng lắm công phu”- không công phu sao thấy được chân giá trị của nó.

Cành cây cũng phải đạt tiêu chuẩn “đầu voi đuôi chuột”, nghĩa là độ lớn của cành được thu nhỏ dần từ chân cành đến đầu cành. Để đạt được tiêu chuẩn này, chủ yếu cần nuôi dưỡng cành trong thời gian đủ dài để đạt đến độ lớn hợp lý rồi cắt chờ tược mọc, chọn một tược làm nhánh, một tược nuôi dưỡng tiếp để tạo đoạn 2 của cành… chính vì vậy, cành “đầu voi đuôi chuột” thể hiện tính cổ lão của Bonsai.

Xóa được dấu vết can thiệp trên cành (vết quấn dây, vết cạo, sẹo…)

Bộ cánh hướng đủ các phía, hai cánh liên tiếp không trùng phương để không che chắn ánh sáng của nhau, đáp ứng tốt yêu cầu quang hợp của cây.

Cấu trúc cành lá phù hợp với thế cây. Cây thế đứng có tán cành nằm ngang hoặc hơi chúc xuống. Cây thế nằm hoặc thòng có tán cành hướng lên trên, cây bay có tán cành hướng về một phía.

Cấu trúc cành có tính cổ lão. Cành Bonsai nên tạo thành góc vuông với thân hơi hướng xuống đất mới thể hiện sự già giặn theo thời gian.

Bộ cành có độ dài và rộng hài hòa. Các tán cành thường thu nhỏ dần khi lên cao (trừ dạng cành lả, cành buông) để cuối cùng hợp với tán ngọn thành một tổng thể hình tháp.

Cành trước không che khuất cành sau để lấy chiều sâu của tác phẩm.

Cành thấp nhất ở độ cao hợp lý, thường ở 1/3 chiều cao của cây nhằm phơi bày bộ rễ và thân hình nghệ thuật của cây.

Về bộ cành, nếu vướng vào một trong những lỗi sau đây thì bị coi là phạm luật tạo hình: Cành mọc ở phần lõm của thân cây (cành “âm”); cành mọc đối xứng qua thân (cành “xương cá”); gộp nhiều cành để thành một tán cành; cành uốn vòng qua thân(cành”mượn”); cành đâm thẳng mặt tiền.

Lá:

- Mật độ các tán lá vừa phải, nhằm tạo khoảng không gian giữa các khối tán lá. Các tán lá cần được thiết kế sao cho người xem vừa đủ thấy đường nét của toàn thân cây là vừa đẹp, vừa tạo cảm giác ấm cúng. Nếu mật độ tán lá quá thưa sẽ gây cảm giác trống trải, hở lạnh. Ngược lại quá dày người xem chỉ thấy rễ, gốc và một lùm lá.

- Lá không che khuất cành, nhánh. Khi trưng bày, lá cần được tỉa bớt sao cho người xem vừa thấy bộ lá xanh tươi, vừa quan sát được cấu trúc của bộ cành ẩn hiện qua tán lá.

Tổng thể các tán lá hợp thành khối tam giác ở mọi hướng nhìn.

Lá cây được thu nhỏ hài hòa với các yếu tố khác.

Lá biểu hiện cây có sức khỏe, không sâu bệnh.

Chậu – vật chứa:

Bonsai là kết hợp hài hòa giữa cây và chậu, vì vậy việc chọn chậu thích hợp với cây trồng sẽ tạo nên khung cảnh hoàn hảo cho tác phẩm. Về nguyên tắc, chậu phải phù hợp với dáng thế, kích thước và màu sắc của cây. Chậu – vật chứa cây cần thỏa mãn các điều kiện sau: Độ sâu của chậu phù hợp với thế cây. Đối với cây đứng hoặc hơi nghiêng, cần đặt trong chậu cạn có chiều sâu xấp xỉ đường kính thân. Đối với cây nghiêng cần đặt trong chậu dày (chiều sâu nhỏ hơn chiều rộng của chậu) để cân bằng với sức nặng của tán cây lệch về một bên, tạo cảm giác vững vàng, ổn định. Chậu mỏng cần có diện tích rộng, chậu sâu cần hẹp để tránh cảm giác quá gò bó hoặc nặng nề của tổng thể.

Chiều dài và rộng của chậu phù hợp với kích thước của cây, diện tích của chậu tương đương với bóng cây chioếu xuống. Đối với cây thấp chiều dài và rộng của chậu chỉ bằng 2/3 khoảng cách dài và rộng nhất của khối tán lá.

Về vị trí, tùy kiểu chậu và thế cây mà cây được đặt giữa chậu, lệch trái hay phải. Đối với chậu cạn có hình chữ nhật hoặc bầu dục, gốc cây ở cách mép trái hoặc phải khoảng 2/3 chiều dài của chậu và hơi lùi về phía sau. Cụ thể, nếu tán và bộ cành thiên về phía phải thì gốc cây được đặt gần mép trái của chậu và ngược lại. Đối với chậu có hình vuông, tròn, lục giác, bát giác, gốc cây được đặt giữa chậu. Riêng các cây có thế nằm hoặc thòng, gốc cây được đặt gần mép chậu có thân vươn ra hoặc chúi xuống để bộ rễ có đủ không gian trải rộng và nổi cao, tạo sự cân bằng cho tổng thể.

Gốc cây không được đặt lúng sâu trong chậu, hoặc trồi lên quá cao so với mặt chậu.

Màu của chậu và cây cần hài hòa, nên tránh chọn chậu có những màu sắc sặc sỡ làm người nhìn chú ý tới chậu mà không thưởng ngoạn một cách đầy đủ. Đặc biệt đối với Bonsai hoa trái, chúng ta nên chọn chậu có màu sắc tương phản với màu của hoa và trái.

Chậu cần có phẩm chất tốt, tạo từ loại vật liệu bền, nhẹ, có tính năng giữ ẩm và trao đổi khí.

Chủng loại cây:

Ở thể hoàn thành, nếu có hai tác phẩm tương đương về giá trị nghệ thuật thì chúng ta nên thêm điểm cho cây nào có thời gian hoàn thành dài và công phu hơn. Cơ sở để đánh giá là mỗi loài cây có đặc điểm sinh trưởng khác nhau, mau hay chậm lớn, dễ hay khó trồng.

Các điểm khác:

Ấn tượng: muốn có ấn tượng mạnh, gây được cảm xúc dâng trào từ phía người thưởng ngoạn, thì tác phẩm phải có điểm gì đó khó tìm, khó tạo được. Vẻ đẹp nghệ thuật rất đa dạng: Bộ rễ lan tỏa đều vững vàng bám đất, cân xứng với thân liền lạc “đầu voi đuôi chuột” như quả núi hùng tráng đứng giữa đất trời bao la; toàn cây có vẻ hài hòa trong sự tương phản giữa vỏ sần sùi với bộ lá óng ả; cây có dáng vẻ thâm trầm thanh cao hay yểu điệu; tán cành lá ngã mạnh về một phía như bị cuồng phong xô dạt; toàn thân mục rỗng nhưng cây vẫn trường tồn…

Lớp phủ trên mặt đất: Đây là thành phần làm tăng vẻ thiên nhiên, vẻ đẹp và vẻ già cỗi của cây. Nếu lớp phủ là rêu và các loại cây thảo thì phải xanh tươi, mượt mà. Nếu là cát đá nghiền nhỏ thì cần có sự tương phản về màu sắc giữa lớp phủ, chậu, hoa và lá.

Trên đây chỉ là các tiêu chuẩn tham khảo khi tạo tác và thẩm định Bonsai. Trong thực tế, có Bonsai đẹp mà không hoàn toàn đúng theo các tiêu chuẩn này. Vì vậy cần có tiêu chuẩn “nét riêng” trong thẩm định tác phẩm Bonsai. Tuy nhiên cần hiểu cái lạ trong tác phẩm nghệ thuật không đồng nghĩa với sự kinh dị quái đản.

Để xây dựng thang điểm đánh giá Bonsai theo các tiêu chuẩn đã được trình bày trên, tôi dựa vào các quan điểm cơ bản sau:

- Đánh giá thấp các tiêu chuẩn dễ tìm, dễ tạo được, đánh giá cao các tiêu chuẩn khó tìm, khó tạo được hay đạt được do sự may mắn.

Không có điểm riêng chi tính cổ lão, tính thiên nhiên, tính hài hòa tổng thể vì nội dung các tiêu chuẩn cụ thể về gốc, thân, cành, lá, chậu và các tiêu chuẩn khác đã bao hàm đủ các tính chất này.

Các tác phẩm không được vướng vào các lỗi bị đánh giá là phạm luật như “phá thế”, cành “âm”, cành “xương cá”, cành “mượn”, gộp nhiều cành để thành một tán cành, cành thấp lại bố trí đâm thẳng vào mặt tiền, khoảng cách giữa 3 cành chính (1, 2, 3) phạm lỗi đoạn trên dài hơn đoạn dưới. Nếu phạm các lỗi này thì bị trừ toàn bộ điểm của phần thân hoặc phần cành.

Suy nghĩ khá lâu để viết về đề tài này, nhưng bản thân tôi vẫn còn thấy nhiều gút mắc chưa thể giải quyết tọn vẹn như:

Bộ rễ về nguyên tắc phải lan tỏa các hướng, nhưng nếu thiếu rễ hướng chính, tức là thiếu cái cơ bản, có nên trừ hết 5 điểm của tiêu chuẩn bộ rễ lan tỏa hay trừ nhiều hơn do không hợp với cái dáng cây.

Có trường Bonsai được thiết kế cao gầy, mảnh mai nhưng vẫn mang một nét đẹp đặt trưng tao nhã, khi đó tiêu chuẩn “thân nhỏ từ gốc đến ngọn” sẽ được giải quyết như thế nào? Có thể tính điểm của tiêu chuẩn “nét riêng” cho nó hay không? Nếu có nét riêng thì giải quyết ra sao?

Bonsai là tác phẩm sống, thay đổi theo các mùa trong năm và nếu trưng bày ở trạng thái trơ trụi lá cũng đem đến cho người xem cảm giác thú vị (cây mùa thu, mùa đông). Vậy ta sẽ tính điểm lá như thế nào trong trường hợp này?

Trên đây là chút đóng góp cho thú chơi Bonsai, còn có nhiều điều chưa thấy hết, chân thành mong bạn đọc trao đổi, góp ý để cùng tạo dựng sân chơi Bonsai với những luật chơi minh bạch, thu hút người chơi ngày càng đông hơn.

Bài: Phạm Đặng Huấn
CLB Bonsai ĐHKHTN

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng