Đang gửi...
Thời gian 09/09/2024 6:16 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

Chơi Lan - Thú chơi của người quân tử

Nguyễn Ngọc Hà

Quân tử theo nghĩa của cổ nhân là chỉ người đàn ông sống ngay thẳng, theo lẽ phải, không vụ lợi cá nhân, hội đủ NGŨ THƯỜNG: NHÂN, LỄ, NGHĨA, TRÍ, TÍN.

Ngày nay, quân tử không còn dùng để nói về người đàn ông như trên nữa, mà chính là nói về những đức tính của tất cả mọi người trong xã hội. Ngày nay, người quân tử là để chỉ những người sống có ĐẠO ĐỨC, TỬ TẾ, CẦU TIẾN và HƯỚNG THIỆN.

Thực tế xã hội giờ thì phụ nữ và đàn ông bình đẳng, rất nhiều phụ nữ là quân tử và không ít nam giới là tiểu nhân.

Chính vì thế, thú chơi lan ngày nay, chính là thú vui của những người luôn muốn HOÀN THIỆN BẢN THÂN mình, luôn muốn mình sống tử tế hơn, có ích cho đời hơn và cao quý hơn, hướng đến những giá trị CHÂN - THIỆN - MỸ.

Lan chính là VƯƠNG GIẢ CHI HOA. Có các loài hoa tượng trưng cho tình bạn, cho tình yêu, cho sự trong trắng tinh khiết, cho sự ủy mị, cho sự lãng mạn bồng bềnh… thì LAN LÀ VƯƠNG, là VUA của các loài hoa.

Chơi lan là một thú vui tao nhã, nhẹ nhàng, quý phái.

 

Lan đẹp không cần son phấn. Không như các loại hoa khác phải cắm bon chen với nhau, phải hỗ trợ cho nhau, phải có các loại lá làm nền mới tôn nên được vẻ đẹp. Với Lan, dù ở nơi thâm sơn cùng cốc không ai chiêm ngưỡng vẫn đẹp, vẫn thơm. Giống người quân tử, không cần ai khen, không cần ai nhắc vẫn sống chuẩn mực và có đạo đức.

Xã hội ngày nay có rất nhiều thú chơi, riêng lĩnh vực Sinh vật cảnh thì có người thích Bonsai, người thích chơi Cá, chơi Chim, chơi Chó, chơi Đá...

Cạnh nhà tôi có anh chàng chơi chó, hằng ngày dắt chó đi dạo tăng cường vận động nhưng cũng khá tốn thịt bò, tôi hỏi “sao chú mày thích chơi với chó”, cậu ta nói vì chó trung thành, những lúc buồn nó biết động viên khích lệ chủ và khi có tâm sự, có thể ngồi nói chuyện với chó, nó lắng nghe và không phán xét. Hay! Đó là quan điểm của cậu ta. Tôi thấy hợp lý.

Tôi có ông chú chơi chim. Tôi hỏi chú vì sao chú chơi chim. Ổng trả lời tôi rằng sau khi cưới được 2 năm là chú bắt đầu chơi chim. Từ con chim, chú nhìn thấy sự đồng cảm và sự thán phục. Tôi hỏi chú tại sao vậy? Chú nói vì chú thấy nó bị tù túng như vậy mà vẫn cất cao tiếng hót cho đời, không lẽ chú lại không bằng nó…. Haiz, sự đời khó lường….

 

Tại sao tôi chơi Lan? Đơn giản thôi, vì từ cây lan, tôi SOI THẤY CHÍNH MÌNH. Tôi cần phải nhìn Lan hằng ngày để HOÀN THIỆN BẢN THÂN hơn. Đó chính là NHÂN – LỄ – NGHĨA – TRÍ – TÍN.

Cây Lan chịu được những hoàn cảnh khó khăn nhất, khắc nghiệt nhất. Cheo leo trên ngọn cây vách đá, chịu bao nhiêu mưa nắng vùi dập; dù bám vào cây như thân tầm gửi nhưng không bao giờ làm chết cây chủ, không hút dinh dưỡng của cây chủ. Chính cái sự đạm bạc ấy đã thể hiện được phẩm giá của người quân tử.
Nhìn những cánh hoa mỏng manh yếu đuối là thế, nhưng lại ẩn chứa một sức sống mãnh liệt. Nhìn có vẻ nhỏ bé là thế nhưng lại ẩn chứa một sự cao sang thanh lịch mà không có bất cứ loài hoa nào có được!

Dù mọc trên vách đá cheo leo hiểm trở, hay một cành cây cong queo rong rêu, Lan vẫn giữ một nét đẹp cao sang, vẫn khoe sắc thắm, vẫn tỏa hương nồng, làm đẹp cho không gian tưởng chừng nhạt nhẽo, trơ trọi đó. Và hiện nay, có rất nhiều giống Lan được dùng làm trà, làm thuốc, làm thực phẩm. Lan cống hiến cả sắc hương của nhành bông, thậm chí cả thân mình để phục vụ con người, như Thạch Hộc Tía, Hoàng Lạp Sơn Thủy Tiên... Cái TÌNH như thế, hỏi thế gian, có loài hoa nào sánh bằng? Cho đi không cầu nhận lại, cái NHÂN như thế, thử hỏi trần thế mấy ai được như Lan?

Mỗi dịp tết đến xuân về, nhà nhà người người có những nén hương thơm thành kính về tổ tiên, đó chính là cái LỄ của con người. Lan mang lại hương thơm nồng đậm, ngọt ngào, cống hiến cho đời. Thử hỏi cái LỄ như vậy mấy ai hay? Bạn đến chơi nhà, trên bàn uống nước đặt một giò trầm thơm nồng cùng chén trà hoa Hoàng Lạp nghi ngút khói, còn gì tuyệt vời hơn? Bên bàn thờ tổ tiên, bàn thờ Chúa vào mỗi dịp xuân sang đặt một giò Nghinh Xuân khoe sắc thắm tỏa hương ngào ngạt, hỏi rằng thiên hạ mấy ai bằng ta?

Dù người mê Lan không biết chăm sóc, để Lan một cuộc đời khắc khổ, đạm bạc, nhưng Lan không phụ tình người chăm mình. NGHĨA tình trọn vẹn vậy, hỏi có mấy người làm được chăng?

Với hơn 30.000 loài tự nhiên và hơn 100.000 loài lai tạo, thử hỏi với lượng thông tin khổng lồ như thế, TRÍ tuệ của mẹ thiên nhiên phải phong phú cỡ nào?

Đến hẹn lại lên, đến mùa Lan lại nở, những cánh hoa mỏng manh kia lại làm bạn với người yêu Lan. Như một lời hứa với thời gian, với những ai yêu Lan. Chữ TÍN như thế, con người chắc gì bằng Lan!

Cũng vì mê nét đẹp phụ nữ, mà tôi mê Lan! Tên các “nàng” thật đẹp, rất yểu điệu, rất nữ tính, nào là Phi Điệp, Mỹ Dung, Dạ Hương, Giáng Hương rồi đến Kim Điệp, Thủy Tiên, Kiều, Hương Duyên và Hải Yến, Hoàng Yến, Ý Ngọc…

Chăm Lan và ngắm Lan làm cho con người trở nên điềm tĩnh và gần gũi với thiên nhiên. Dòng đời hối hả, vội vã… chơi lan để ta SỐNG CHẬM lại, suy ngẫm về cuộc đời, về TÌNH ĐỜI…

Đêm đã về khuya, nghe nhạc guitar không lời, hít thở hương thơm thoang thoảng của giò Giả Hạc ngoài của sổ… Ôi cuộc sống mến thương làm sao!

Theo Tạp chí VNHS

                                                                                                           

Tin tức khác

  • Hội kỷ lục gia Việt Nam
  • Hội SInh vật cảnh tỉnh Đồng Nai
  • Nhà vườn Cảnh Lan Viên
  • Công ty sinh vật cảnh Thăng Long
  • TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH
  • Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam
  • Hội nhiếp ảnh Việt Nam
  • Hội đá cảnh Việt Nam