Thời gian 22/11/2024 5:54 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Cây kiểng và đường vào cái đẹp

 

Hoài Phương

Cỏ cây hoa lá có một sức hấp dẫn kỳ lạ đối với nguời Á Đông, đặc biệt là Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản đã coi thú chơi cây cảnh như một hoạt động văn hoá vừa mang tính thẩm mỹ, vùa mang ý nghĩa triết lý sâu xa. Con người Việt Nam luôn tìm sự cảm thông với thiên nhiên, muốn gửi gắm vào gốc cây, chậu kiểng với những ý niệm về niềm tin, hoài bão và mơ ước của mình. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Người Trung Quốc gọi cây kiểng là cổ mộc, người Nhật tự hào với tên gọi Bonsai. Còn ở Việt Nam, mỗi miền, mỗi địa phương lại có tên gọi khác nhau. Ngoài Bắc có cây Thế, trong Nam có Kiểng Cổ và ở một vài nơi còn có kiểng tứ diện, kiểng thuỷ sơn, kiểng tự do... tuỳ theo cách chơi và cách tạo dáng của từng địa phương, nhưng cách gọi phổ biến nhất hiện nay là Bonsai. 

Việc nhận thức một cây kiểng đẹp tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như óc thẩm mỹ, trình độ thưởng thức, năng lực tư duy và sự từng trải của mỗi người trên con đường tìm kiếm, phát hiện và nắm bắt kịp thời các thông tin có liên quan đến lĩnh vực cây cảnh. Hiểu được cây cảnh và tạo ra một tác phẩm có hồn thật không dễ chút nào. 

Thiên nhiên đẹp và hấp dẫn, ai cũng thấy điều đó nhưng bàn về giá trị thẩm mỹ của cây kiểng -một loại hình nghệ thuật sống thì lại có quá nhiều ý kiến khác nhau, nhiều cuộc tranh luận sôi nổi kéo dài mãi cho tới nay vẫn chưa kết thúc. Trường phái “Tự nhiên” cho rằng một cây kiểng đẹp phải toát lên từ giá trị mỹ cảm, từ sự hài hoà cân đối và sức hấp dẫn kỳ lạ của bản thân nó. Trường phái “xã hội" thi lại cho rằng cây kiểng đẹp phải có mối quan hệ gắn bó với đới sống con người, chẳng hạn như cây trúc, cây tùng đẹp vì nó tượng trưng cho người quân tử; cây mai, cây đào là cốt cách của mùa xuân. 

Thật ra cả hai ý kiến trên không hề mâu thuần mà còn bổ sung cho nhau bởi vì trong tự nhiên có nhiều cái đẹp tự nó đi thẳng vào lòng người, khiến cho con người say mê chẳng hạn như cánh buồm, bụi hoa, gốc cây cổ thụ. Những hình ảnh quen thuộc đó nếu được bàn tay và khối óc con người tác động vào thì nó lại càng đẹp hơn. 

Ngày nay con người chơi kiểng không giống như người xưa. Cái thú thưởng thức của cha ông ta là lội rừng băng suối để tìm những cây lạ, đẹp, có thể mang một ý nghĩa văn hoá, xã hội, tôn giáo đem về nâng niu, chăm sóc, cắt tỉa và tạo dáng theo tâm ý của mình để chiêm ngưỡng giống như một nhà hiền triết đang đứng trước một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ. Các cụ thích những cây trồng trong chậu thật nhỏ nhằm tạo ra một ẩn tượng thiên nhiên thu nhỏ. Cũng như ở Nhật, người ta tìm cách hãm không cho cây phát triển để tạo ra một thân cây già, gốc rễ rêu phong nhưng vẫn tràn đầy sức sống. Đối với một tuyệt tác như thế, người nghệ sĩ cây cảnh chỉ cảm nhận chứ không thể dùng lý tính.

 Hầu hết những người chơi kiểng đều chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Phương Đông, họ nhìn cái đẹp bằng cái tâm, không thích sự phô trương ồn ào nhằm tạo ra sự cân bằng nội tại trong sự hài hoà giữa con người với thiên nhiên. Trong điều kiện khoa học công nghiệp phát triển như hiện nay, việc làm xanh mảnh vườn, sân nhà là làm xanh cho chính cuộc đời. Nơi có cây xanh bóng mát, có hoa cây kiểng sẽ giúp cho con người bớt cô đơn. GS Nguyễn Lân Dũng đã có nhận xét: “Cây cảnh làm con người sống khoẻ mạnh hơn, trong sáng hơn, nhân từ hơn, đối xử đầm ấm hơn”. Gần đây, thú chơi hoa kiểng ở nước ta giống như một làn sóng đang tràn khắp các nẻo đường từ đô thị cho tới các làng quê hẻo lánh. Trước kia chỉ có những gia đình khá giả, những người chán tiền tài danh vọng mới mượn cỏ cây hoa lá để tiêu sầu, nay thì mọi người đều nhập cuộc. Từ ông bác sĩ, kỹ sư, công nhân, bộ đội, nông dân, giám đốc, chủ tịch cho tới nhà sư, ni cô, chị bán hàng… đều say mê nghệ thuật cây cảnh. Nhiều em bé, nhiều cụ già nhà cửa chật chội nhưng vẫn muốn có một chậu hoa, một cây cảnh để ngắm nhìn. Đúng như một giáo sư người nước ngoài khi đến Việt Nam đã phát biểu: "Đến đất nước Việt Nam chỗ nào cũng thấy hoa, hoa trong thành phố và hoa trong lòng người”. 

Theo Tạp chí VNHS

 

 

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng