Thời gian 22/11/2024 5:32 CH (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

Bệnh thối mềm - thối nhũn trên Hoa Lan

                                                                              Nguyễn Ngọc Hà

 Mỗi mùa mưa qua, giàn lan lại ra đi một góc, đó chính là nỗi đau của người chơi lan và là thiệt hại kinh tế vô cùng lớn của người nông dân.

Bản thân tôi cũng đã từng cảm thấy rất bối rối không biết phải làm gì khi mùa mưa đến (thậm chí không mưa) lan bị thối, sự nhận diện bệnh còn không chuẩn thì nói chi tới dùng thuốc cho đúng, và hơn hết chính là phải hiểu được nguyên nhân để phòng bệnh cho tốt.

 Ngày nay, hoa lan có giá trị kinh tế rất cao, từ vài chục tới vài tỉ một cây lan dài bằng gang tay, nếu giả sử sau một giấc ngủ, buổi sáng tỉnh giấc bạn thấy giò lan yêu quý vài triệu tới vài trăm triệu của mình bị thối mất một vài mầm thì đau lòng biết bao nhiêu.

 

 

Tác nhân: Vi khuẩn Erwinia

Triệu chứng: Các bọng nước, dịch khuẩn trên lá và có các quầng loang màu ủng vàng xung quanh ( quầng loang vàng như kiểu nhỏ 1 giọt nước lên giấy và nó ngấm vào tờ giấy rồi loang ra  xung quanh. Đây chính là điểm đặc biệt để ta phan biệt với thối do nấm Phytophthara và Pythium). Vết loang do nấm nhìn có vẻ rất khô ráo chứ không ướt như do vi khuẩn). Vết bệnh sẽ từ từ lan tới thân, rễ, giả hành.

Thật là khó khăn để dùng từ ngữ giúp các bạn hiểu ý tôi, chính vì thế bạn hãy quan sát hình ảnh kỹ một chút nhé.

Tóm lại là bị vi khuẩn thối nhũn thì quầng nhìn rất ướt át, còn nấm gây bệnh chết nhanh thì quầng có vẻ khô ráo.

Đặc điểm nhận dạng đặc trưng là có mùi thối, mùi thối rất khó chịu và nồng nặc.Nếu vết bệnh bắt đầu ở giữa giả hành thì khu vực giả hành bị nhiễm khuẩn sẽ chuyển màu thành vàng trong như cây mía dóc vỏ, mềm dần dần và lan dần xuống gốc và lên ngọn.

Trên các chi lan khác nhau, bệnh sẽ có biểu hiện khác nhau 1 chút. Vì không phải trên giống lan nào vi khuẩn Erwinia tấn công cũng sinh ra nhùn – mềm nhũn như bánh đa ngâm nước. Đa số các trang mạng của Việt Nam chỉ chú trọng vào chi Ngọc Điểm và chi Hồ Điệp khi bị vi khuẩn này tấn công sinh nhũn nên mọi người gọi nó là thối nhũn. Nếu vi khuẩn xâm nhập những khu vực nhiều chất xơ thì cũng không nát nhũn mà vẫn cứng.

- Trên lan thuộc chi Hồ Điệp bệnh phát triển rất nhanh chóng và lá có thể nát nhũn hoàn toàn sau 2-3 ngày. Vi khuẩn xâm nhập qua các vết xước, vết rách, vết côn trùng cắn và chích hút, hoặc các khí khổng của lá.

- Trên chi lan Dendrobium xuất hiện các vết bọng nước vàng sau đó thành màu đen trũng xuống (nó chỉ trũng xuống khi môi trường khô ráo, còn nếu môi trường ẩm ướt thì vết bệnh sẽ nhũn ra và chảy dịch khuẩn).

- Trên Vanda xuất hiện các mảng bệnh vàng nâu hơi mờ và từ từ đậm dần rồi chuyển sang màu đen. Khi bạn bóp lá ra, day day cho nát rồi để sát mũi ngửi sẽ thấy mùi thối rất nồng đậm (kinh nghiệm thực tế chứng minh rằng đôi lúc đôi mắt không hiệu quả bằng 2 lỗ mũi).

- Đối với lan Hài, vết đốm bệnh có thể bắt đầu ở mọi vị trí của lá, đặc biệt là gần gốc lá, kẽ lá non rồi lan dần lên trên chóp lá. Ban đầu là điểm ngậm nước màu nâu vàng nhưng sau đó thành màu nâu đỏ và trũng xuống. Lá những giống hài mọng nước thì dễ nhận thấy hơn so với lá của các giống hài lá ráp, lá mỏng và cứng. Vấn đề này cá nhân tôi thấy rằng thực sự là khó cho các bạn, rất khó để nhận định nó là nhiễm vi khuẩn hay nhiễm nấm. Kinh nghiệm thực tế như sau: Mang 2 chậu hài bị bệnh giống y như nhau rồi phun 1 bên là thuốc vi khuẩn, 1 bên là thuốc nấm (ví dụ Antracol, không dùng Aliette hoặc Nano Bạc vì Aliette và Nano Bạc ngoài trị nấm lại trị cả khuẩn) sau 1 tuần, cây nào chết cây nào sống bạn sẽ nhận ra ngay thôi -->đó chính là khoa học thực nghiệm. Nếu bạn không dám làm như tôi thì tốt nhất là pha chung cả thuốc nấm và thuốc khuẩn xịt 3 - 5 lần là được.

- Trên chi lan Hoàng Hậu (Hoàng Hậu, Hoàng Xà - Thịnh Vượng) thì lá có điểm ngậm nước màu nâu, sau đó sẽ khô đi và chuyển sang màu đen lõm.

Kết luận lại: Lan gì cũng vậy, vết ngậm bọng nước màu vàng nâu đen, loang ướt át, bóp chảy dịch khuẩn mùi thối --> Thối mềm do vi khuẩn Erwinia.

 

 

CHỮA BỆNH:

- Cách ly ngay cây bị bệnh ra khỏi giàn và ngừng tưới nước ít nhất 3 ngày.

- Cắt bỏ đoạn lá bệnh, cắt xa 2-3cm vết bệnh với dụng cụ vô trùng bằng Physan 20 hoặc cồn 90 độ. Thật ra là không cần cắt cũng vẫn có thể chữa cho chỗ bệnh khô lại, tuy nhiên sẽ có 1 hoặc vài cái lỗ, vài cái sẹo nhìn cũng không đẹp và rất tốn thuốc.

- Nếu vết thối nhũn ở giữa giả hành, bắt buộc phải cắt bỏ khúc giả hành bị bệnh đi, cắt cách vết bệnh ít nhất 2cm, sau đó trét keo liền sẹo Tree Seal kín vết cắt.

- Giảm độ ẩm trong vườn, không tưới với vòi phun áp suất cao và không bón phân nhiều đạm (ví dụ 30-10-10te khi mưa nhiều) mà thay vào đó là bón phân giàu kali để cây tiêu thụ lượng đạm trong nước mưa (ví dụ phân 13-0-46).

- Bôi vôi hoặc bôi thuốc diệt khuẩn như Poner pha sền sệt sau đó phun thuốc diệt khuẩn khắp vườn và ướt đều mặt lá, giá thể.

 

 

Các bạn nên lưu ý rằng tài liệu của nước ngoài họ rất đề cao Physan 20, tất cả các bệnh nấm khuẩn họ đều khuyên dùng Physan 20. Tuy nhiên Physan bán tại Việt Nam thì chất lượng không thể so sánh với Physan 20 của Mỹ được. Một chai Physan 20 nửa lít của Mỹ gần 400 ngàn, còn hàng Việt Nam trên bao bì cũng ghi là USA mà có giá 146 ngàn nửa lít. Trong chai Physan 20 của Mỹ có khoảng 10 hợp chất, còn bao bì của ta có 1 hợp chất duy nhất nhưng nồng độ cao thôi. Tóm lại, Physan 20 dùng để phòng bệnh và xử lý giá thể, giống thì hiệu quả, dùng để chữa bệnh hiệu quả rất thấp.

Các loại thuốc để phòng bệnh thối nhũn hiệu quả và an toàn cho người và môi trường như: Agrifos 400, Benkona, Nano Bạc, Physan20, Viên sủi Nấm Khuẩn đối kháng Nano Gro.

Khi lan bị bệnh, bạn có thể dùng các loại thuốc: Starner 20WP, Poner, Kasumin2L, New Kasuran, Mathian, Sữa diệt khuẩn của Thái... để chữa. Lưu ý liều nên pha đậm đặc hơn bao bì 1,5 - 2 lần thì hiệu quả nhanh và chắc chắn, tuy nhiên sẽ làm suy cây và mầm. Bạn phải chấp nhận cây bị suy khi dùng thuốc.

Dùng thuốc ít nhất phải 3-5 lần, 3-5 ngày dùng 1 lần mới dứt điểm được bệnh, ngoài ra phải che được mưa, nếu không che được mưa thì dùng thuốc vô ích.

Sau quá trình điều trị cho lan, bạn phải hồi sức lại cho cây với việc dùng phân bón hợp lý như chuyên đề phân bón cho lan đăng ở số trước.

Nếu bạn phòng bệnh và tạo được tiểu khí hậu cho lan như các chuyên đề trước được đăng trên Tạp chí Việt Nam hương sắc thì 90% bạn sẽ không phải chữa bệnh cho lan.

Bạn nên lưu ý không nên phun thuốc dùng để chữa bệnh thay cho phòng bệnh, vì như vậy sẽ làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe, tốn kém tiền bạc và làm suy chột cây lan.

Thời tiết thay đổi thì người sức đề kháng yếu sẽ nhiễm bệnh. Bàn tay ta không bao giờ tự nhiên mưng mủ trừ khi bị đâm chích hoặc rách da thịt. Cây lan cũng vậy, bạn hãy bón phân tưới nước cho lan cân đối để lan có sức đề kháng mạnh và tiêu diệt côn trùng thường xuyên để lan không bị chích hút thì nhất định bạn sẽ luôn có niềm vui khi chơi lan.

Cuối cùng, không khi nào lan chỉ bị một loại bệnh, nếu bị thối nhũn thì chắc chắn sẽ nhiễm thêm nấm và khuẩn khác, vì thế nếu bạn muốn giải quyết bệnh hiệu quả triệt để, hãy đón đọc các số Tạp chí tiếp theo.

Theo Tạp chí VNHS

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng