Vài năm gần đây, bất động sản xanh trở thành xu hướng mới trong hoạt động đầu tư của các chủ dự án. Ở TP.HCM, phân khúc này đang được mở rộng bởi nó mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng.
Ở thời điểm hiện tại, mô hình bất động sản xanh ở Việt Nam chưa được khai thác nhiều bởi nước ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của việc biến đổi khí hậu. Thực tế, hiện trên toàn Việt Nam chỉ mới có 150 công trình bất động sản xanh được chứng nhận cũng như đang trong quá trình thi công, thiết kế. Theo thống kê của Hội đồng Công trình xanh các nước, Việt Nam chậm hơn rất nhiều về số lượng công trình xanh cũng như trong lĩnh vực đào tạo, nhận thức.
Số lượng công trình đạt chứng chỉ LEED của Việt Nam năm 2017 chỉ chưa đến 3%. Trong khi đó, trên toàn thế giới, có đến hơn 36.000 dự án thương mại và trên 38.000 công trình nhà ở trên thế giới đạt chuẩn xanh, thì ở Việt Nam, tính đến nay, có chưa đến 100 công trình xanh đang phát triển ở các giai đoạn khác nhau.
Bản thân các doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam tham gia xây dựng công trình xanh cũng khá khiêm tốn. Số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp chứng chỉ công trình xanh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại TP.HCM chỉ có một vài dự án như Ehome 5 của Nam Long, Diamond Lotus Riverside, Rome Diamond lotus của Phúc Khang, The Ascent Thảo Điền của Tiến Phát, hay khu vực phía Bắc với một số dự án như Ecohome, Forest In The Sky là các bất động sản xanh được công nhận.
Nói về lý do bất động sản xanh quá ít trên thị trường, ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Giám đốc GreenViet đã chỉ ra: Các công trình xanh có thể tiết kiệm điện năng, nước sinh hoạt, vật liệu xây dựng, năng lượng so dự án thông thường và giúp tuổi thọ công trình dài hơn. Song nhiều doanh nghiệp ngại làm bất động sản xanh vì chi phí ban đầu tăng cao; chưa có nhu cầu thực sự từ khách hàng và chưa có chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Chính vì thế, những doanh nghiệp làm được bất động sản xanh trên thị trường địa ốc hiện nay đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức khá lớn. Hầu hết đi theo con đường bất động sản xanh, doanh nghiệp phải đặt chữ tâm huyết lên đầu thay vì lợi nhuận bởi mô hình bất động sản xanh chưa thực sự phổ biến tại thị trường Việt Nam.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, trước bối cảnh thị trường bất động sản như hiện nay, doanh nghiệp địa ốc phải làm khác biệt thì mới đi được lâu dài với thị trường. Do đó, những dự án công trình xanh, chú trọng vào tiện ích, sức khỏe con người và ứng phó với môi trường sống đang trở thành lựa chọn duy nhất của thị trường bất động sản Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng.
Theo ông Châu, Việt Nam là nước biến đổi khí hậu, chịu ảnh hưởng thiên tài nhiều nhất, do đó phát triển các công trình bất động sản xanh cũng là hạn chế sự ảnh hưởng của sự biến đổi này. “Trong tương lai, mô hình bất động sản xanh sẽ trở thành xu thế phát triển của thị trường BĐS”, ông Châu khẳng định.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang Corporation cho hay, hình thành lối sống mới không chỉ là công trình xanh mà còn cần đến hệ sinh thái tương trợ khi xu hướng sống xanh đang trở thành kim chỉ nam của nền kinh tế toàn cầu. Việc một số chủ đầu tư Việt Nam phát triển bất động sản xanh nghĩa là đang tiếp cận tư duy văn hóa từ các nước tiên tiến.
“Tuy vậy, làm bất động sản xanh là cần sự khác biệt, không chỉ phát triển theo xu thế bền vững mà phải phát triển có trách nhiệm với cộng đồng. Trong đó, các chủ đầu tư phải đưa công trình xanh lên tầm cao mới, tiêu chí môi trường sống chất lượng của cư dân phải được đặt lên hàng đầu”, bà Mẫu khẳng định.
Theo các chuyên gia trong ngành, không phải việc thêm tiêu chí xanh vào một dự án để có thể đánh giá đó là “công trình xanh” hay công trình sinh thái mà bắt buộc công trình xanh phải xanh từ nội tại của sản phẩm. Bởi lẽ, khách hàng hiện nay đều là những người tiêu dùng thông min khi họ đều chú trọng tới chất lượng cốt lõi của sản phẩm. Khách mua sẽ quan tâm tất cả từ khâu thiết kế, thi công, sử dụng vật liệu, hoàn thiện đến hoạt động của công trình sau này.
Tại Việt Nam hiện nay, có khá nhiều các tiêu chuẩn xanh được lưu hành như: Edge (của tổ chức IFC thuộc Ngân hàng Thế giới); Green Mark (Singapore), Leed (Mỹ), Lotus… Mỗi tiêu chuẩn đều có các điểm mạnh yếu khách nhau nhưng hội tụ lại thì BĐS phải đảm bảo được các yếu tố cơ bản như: Địa điểm xây dựng công trình bền vững; sử dụng năng lượng và nước hiệu quả; sử dụng vât liệu và tài nguyên thân thiện với môi trường… Điều này đồng nghĩa với việc nếu xây một công trình xanh tức là công trình này phải xanh từ ngay trong “nội tại” của nó.
Theo ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc sáng lập DKRA Việt Nam, một trong ba tiêu chí ưu tiên của khách hàng khi chọn mua BĐS là cảnh quan môi trường sống gắn liền với công trình như cây xanh, an toàn an ninh, tiện ích, quản lý.
Hiện nay, các cơ quan ban ngành đều khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản làm dự án xanh nhằm phục vụ nhu cầu sống ngày càng chất lượng của người dân, đồng thời ứng xử văn minh với môi trường sống. Tháng 5/2016, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 419 về “Kế hoạch hành động của ngành xây dựng về tăng trưởng xanh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo kế hoạch này, đến năm 2030, 50% đô thị lớn và vừa đạt tiêu chí đô thị xanh. Chủ tịch HoREA cũng nhấn mạnh, Hiệp hội luôn khuyến khích và ủng các doanh nghiệp làm BĐS xanh.
Tuy nhiên, ông Hoàng Tùng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch, Kiến trúc TP HCM cho rằng, việc chỉ khuyến khích phát triển công trình xanh thì không có kết quả mà cần có chính sách hỗ trợ cụ thể của Chính phủ. Theo ông, một mình doanh nghiệp không thể làm được mà cần sự phối hợp của chính quyền và người dân thì mới thành công.
Ông đề xuất, nếu chủ đầu tư cam kết xây công viên, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn thân thiện môi trường thì ngay lập tức được cộng thêm diện tích sàn, hưởng các chính sách ưu đãi. Đây sẽ là bài toán để các nhà đầu tư cân nhắc chọn làm công trình xanh, mang lại lợi ích kép cho chủ đầu tư và cộng đồng.
Tin tức khác