Thời gian 23/11/2024 12:10 SA (GMT +7)

Quảng cáo

Quảng cáo

No image

 Bọ trĩ hại lan

                                                                                                    Nguyễn Ngọc Hà

 

Thật đau khổ khi chuẩn bị mang lan đi thi thì thấy các cánh hoa bị đốm và thậm chí là thủng, các viền cánh bị teo lại. Bình thường bạn sẽ được thưởng lãm bông lan cả tháng, nay chỉ được vài ba ngày hoa đã bị tàn.

 

1. Đặc điểm hình thái, sinh học và triệu chứng gây hại của bọ trĩ (còn có những tên khác là Bù Lạch, Rầy Lửa):

a.  Đặc điểm hình thái, sinh học:

- Trưởng thành: Có kích thước rất nhỏ, dài khoảng 0,8 - 1mm, màu nâu đen, râu đầu dài, chiếm 1/3 thân, 2 đuôi cánh hẹp, cánh trước ở phần giữa thắt lại. Trưởng thành đẻ trứng rải rác trong mô lá.

- Trứng: Kích thước nhỏ, mới đẻ màu trắng sữa, gần nở có màu vàng nhạt.

- Ấu trùng: Cơ thể giống trưởng thành nhưng không có cánh, màu vàng cam, trên thân có nhiều lông nhỏ.

- Vòng đời:

+ Trứng: 3 - 4 ngày

+ Ấu trùng: 10 - 14 ngày

+ Trưởng thành: Có thể sống đến 3 tuần.

Ban ngày bọ trĩ hoạt động tương đối nhanh nhẹn. Khi bị khua động chúng ln tránh sang lá khác hoặc giả chết rơi xuống đất, chúng thường ẩn nấp trong lá non, trong gốc cây lan, hoặc ẩn lấp dưới lớp vỏ của gỗ làm giá thể trồng lan... do không ưa ánh sáng trực xạ. Khi trời râm mát chúng bò ra ngoài.

b.  Triệu chứng gây hại:

Cả thành trùng và ấu trùng đều gây hại. Trên cây lan, chúng gây hại trên lá non và hoa. Bọ trĩ có thể gây hại trong tất cả các giai đoạn phát triển của cây lan. Bọ trĩ thường phát triển gây hại nặng trong điều kiện ấm nóng và khô.

+ Trên lá: Chúng giũa hút làm cho lá chậm phát triển, lá ít xanh, bị nặng có thể quăn queo. Buổi sáng bạn quan sát dưới bẹ lá có thể thấy những GIỌT MẬT, thực ra đó chính là DỊCH TẾ BÀO của lá bị bọ trĩ giũa nát tế bào rồi chảy ra. Gọi là giũa hút vì chúng không chích mà dùng cái cưa (dũa) ở trên đầu để giũa nát tế bào nhằm hút dịch tế bào.

+ Trên hoa: Chúng giũa hút nhựa làm cho cánh hoa bị thâm đen, nhụy hoa chảy nhựa. Nếu bị gây hại nặng sẽ làm cho hoa rụng hàng loạt, làm hoa nhanh tàn. Nếu bạn muốn mang lan đi thi, thì bọ trĩ chính là khắc tinh của các giải thưởng.

+ Trên rễ có thể gây thắt rễ của cây lan.

+ Bọ trĩ cũng tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển làm đen lá, đen giả hành. Mặc dù không gây chết cây nhưng cây sinh trưởng phát triển kém làm cho ra hoa kém, cây dễ bị thối nâu, thối đen, thối nhũn, đốm đen do nấm và vi khuẩn dễ dàng xâm nhập từ các vết chích hút.

2. Biện pháp phòng trừ bọ trĩ:

a. Biện pháp cơ học:

 

- Duy trì ẩm độ trong mùa khô trên 65% (tôi sẽ trình bày phương pháp tạo TIỂU KHÍ HẬU trong một chuyên đề khác).

- Dùng vòi nước mạnh tưới lên cây (tránh giai đoạn cây đang nở hoa) hoặc áp dụng kỹ thuật tưới phun trên tán trong mùa khô kết hợp tưới nước cũng giúp hạn chế dịch hại. (Nhớ mức độ mạnh nhẹ cn lựa cơm gắp mắm kẻo lợi bất cập hại).

- Xử lý giá thể thật kỹ, các loại giá thể có vỏ tốt nhất nên bóc bỏ vỏ đi, vừa làm giá thể lâu mục, vừa là đỡ 1 nơi ẩn nấp cho sâu hại và côn trùng.

- Bổ sung đầy đủ cân đối dinh dưỡng cho lan như bài 6 để có thể chống chịu lại sâu côn trùng và bệnh hại ít bị thiệt hại nhất.

b. Biện pháp hóa học:

Bọ trĩ có tính kháng thuốc rất cao nên luân phiên các loại thuốc có hoạt chất như Spinetoram (Radiant 60SC,…), Imidacloprid (Confidor 100SL,…), Carbosulfan (Marshal 200SC,...) phun vào lúc cây ra đọt non và ra nụ.

Bọ trĩ không ưa ánh sáng trực xạ, khi trời râm mát chúng sẽ bò ra ngoài, vì vậy nhà vườn nên phun thuốc vào buổi chiều tối để đạt hiệu quả tối đa.

Tại vườn tôi vẫn hay dùng Movento 150 OD với SK Enspray 99EC để phòng trừ bọ trĩ. Bạn nên đổi thuốc sau 3 lần phun tránh lờn thuốc.

 

Theo Tạp chí VNHS

Tin tức khác

 
Thông báo
Đóng