Bonsai là nghệ thuật trồng cây cảnh trong chậu cảnh, xuất phát từ Trung Quốc. Nghệ thuật này được giới thiệu lần đầu tiên ở Nhật Bản khoảng 500 năm trước bởi các nhà sư Phật giáo, sau đó lan rộng sang Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới. “Shohin Bonsai” trong tiếng Nhật có nghĩa là những cây cảnh nhỏ bé được trồng trong chậu, có thể nằm gọn trong lòng của một bàn tay.
Shohin rất được ưa chuộng
Cây bonsai thường cao dưới một mét, chúng không phải là cây thấp di truyền. Việc phân loại kích thước các cây bonsai vẫn đang vướng phải nhiều ý kiến của các chuyên gia trong ngành, tuy nhiên, người ta có thể phân loại các cây bonsai dựa trên kích thước tương đối như sau:
Keshitsubo: 3-8 cm
Shito: 5-10 cm
Mame: 5-15 cm
Shohin: 13-20 cm
Komono: 15-25 cm
Katade-mochi: 25-46 cm
Chumono/ Chiu: 41-91 cm
Omono/ Dai: 76-122 cm
Hachi-uye: 102-152 cm
Imperial: 152-203 cm
Trong các cây cảnh cỡ nhỏ, Shohin Bonsai khá phổ biến, được các nghệ nhân bonsai rất ưa chuộng. Ngoài sự khác biệt về kích thước, người ta có thể phân biệt các loại cây bonsai bằng phương pháp chăm sóc từng loại. Các cây bonsai càng được trồng trong những chậu nhỏ hơn càng cần được tưới nước và bón phân thường xuyên hơn.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực bonsai cho rằng, cái khó trong nghệ thuật bonsai là thông qua những cây bonsai dù rất nhỏ bé vẫn có thể truyền tải được nhiều vẻ đẹp, ý nghĩa. Cây Shohin với kích thước nhỏ và cấu trúc hạn chế đã khiến các nghệ sỹ gặp phải một số khó khăn trong sứ mệnh này.
Trong số nhiều loại cây bonsai, Shohin là một trong những loại mang đến cho các chuyên gia, nghệ nhân nhiều thử thách nhưng cũng có nhiều điều thú vị, bổ ích hơn cả.
Lưu ý khi chăm sóc cây Shohin:
Các kỹ thuật như ép chồi, tỉa, uốn cành và bón phân một cách hạn chế nhưng vẫn phải đảm bảo cây nhận được đủ dinh dưỡng cần thiết… được sử dụng để hạn chế sự tăng trưởng mạnh mẽ của chúng.
Có một nguyên tắc là chậu và cây Shohin phải đủ nhỏ để được giữ trên lòng của một bàn tay. Hiện nay, Shohin bonsai ngày càng phát triển phổ biến, đặc biệt là ở những không gian hạn chế. Các nghệ nhân cần có những công cụ thích hợp để chăm sóc cây Shohin, cần đảm bảo các điều kiện phát triển phù hợp cho cây, làm bạn với những cây bonsai cỡ nhỏ, trí tưởng tượng phong phú và sự kiên nhẫn cũng là những yếu tố rất quan trọng cần có ở các nghệ nhân.
Thử thách đầu tiên là cây được trồng trong một cái chậu nhỏ và nông, rễ cây thường bị nén. Vì có quá ít đất trong chậu, cây Shohin phải được trồng lại theo định kỳ để rễ cây nhận đủ chất dinh dưỡng. Đôi khi, các cây phải được trồng vào những chiếc chậu có kích thước lớn hơn một chút để rễ không bị chèn ép quá, dẫn đến việc rễ cây không hút được chất dinh dưỡng hoặc khi phát triển nhanh quá chúng có thể làm vỡ chậu cảnh. Chậu càng nhỏ, đất càng nhanh hết chất. Đất cũng phải đảm bảo thoát nước tốt để ngăn ngừa thối rễ.
Cắt tỉa rễ cũng là kỹ thuật cần thiết để giúp các bộ phận của cây cân bằng với nhau; sự cân bằng giữa rễ, đất và đường kính tán lá của cây là một yếu tố các nghệ nhân cần lưu ý.
Khi trồng hoặc thay chậu cây cảnh Shohin, trước tiên, nên kiểm tra đất và chải rễ bằng một ngón tay nhẹ nhàng giúp làm tơi đất. Rễ quá dài cần được cắt tỉa bằng kéo sắc. Các chậu phải có lỗ thoát nước thích hợp ở đáy, nên thêm vào một lớp đất thoát nước tốt để tăng khả năng thoát nước.
Điều kiện nhiệt độ và ánh sáng lý tưởng cho cây Shohin khác nhau tùy theo từng loại cây. Shohin thường gồm các loại cây rụng lá như cây phong Nhật Bản, đỗ quyên, cây si, sanh, cây bách xù, thông, cây bách… Một số loài cây bán nhiệt đới cần điều kiện ấm hơn, nắng hơn; những loài khác có thể sống tốt trong điều kiện nhiệt độ mát mẻ, thậm chí có thể sống ngoài trời vào mùa đông.
Cùng là một loài cây nhưng nếu là bonsai cỡ lớn, việc chăm sóc dễ dàng hơn rất nhiều, chúng có thể chịu được ánh sáng và nhiệt độ cao tốt hơn trong khi cây Shohin ưa bóng râm hơn. Tuy nhiên, cần tránh gió mạnh cho cây Shohin bởi đất sẽ khô nhanh hơn và cây thường dễ bị bật gốc hoặc bị nghiêng.
Việc tưới nước đặc biệt quan trọng trong quá trình chăm sóc cây Shohin vì bình nhỏ chỉ chứa được một lượng đất ít, do đó, đất sẽ khô nhanh. Cần tưới nước thường xuyên, tuy nhiên, vẫn cần lưu ý tránh để nước bị đọng trong chậu. Việc phát hiện sâu bệnh ở cây Shohin cũng khó khăn hơn ở những cây cảnh khác.
Cây Shohin có vô số hình dáng, tư thế… thường không có giới hạn nào trong việc tạo hình, chỉ có một quy tắc cần nhớ là không được cắt bỏ hơn một phần ba tán lá cây trong bất kỳ thời điểm nào. Cây cảnh cỡ nhỏ cần được chăm sóc hàng ngày, cần cân nhắc trước mỗi lần cắt tỉa cây Shohin, bởi phải mất vài tháng để những nhánh mới có thể mọc ra. Việc uốn cây nhỏ cũng khá khó khăn so với uốn các cây cỡ lớn.
Chăm sóc, cắt tỉa những cây bonsai cỡ nhỏ là một công việc khá khó khăn nhưng cũng vô cùng thú vị. Kích thước càng nhỏ, kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa, tạo thế cho cây càng phức tạp. Tuy nhiên, thành quả mà những nghệ nhân bonsai đạt được xứng đáng với những công sức họ bỏ ra, những cây Shohin bonsai xứng đáng được gọi là những kiệt tác trong lòng bàn tay./.
THANH XUYÊN
(Theo Bonsaitreegardener, bonsaimary và tổng hợp)
Tin tức khác