Lễ hội hoa tulip ở công viên Everland
Hàn Ouốc là một trong 30 thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (viết tắt là OECD), tuy nhiên mức tiêu thụ hoa của Hàn Quốc thấp hơn nhiều so với các nước OECD khác, chủ yếu là do mức tiêu thụ hoa cá nhân tương đối thấp. 80% tổng lượng tiêu thụ xuất phát từ nhu cầu của các nghi lễ như đám cưới, đám tang, trang trí trong khách sạn... trong khi ở Hà Lan và Nhật Bản chỉ lần lượt là 20% và 30%.
Kể từ năm 2005, mức tiêu thụ hoa ở Hàn Quốc đã giảm mạnh mặc dù thu nhập bình quân đầu người tăng. Đó là một hiện tượng rất bất thường vì thông thường nếu thu nhập tăng thì tiêu thụ hoa cũng tăng lên. Các chuyên gia cho rằng, việc giảm tiêu thụ hoa bình quân đầu người tại Hàn Quốc chủ yếu là do giá hoa trên thị trường quá đắt.
Kể từ giữa những năm 2000, người Hàn Quốc đã trở nên thực dụng hơn và đơn giản hóa các nghi lễ. Đặc biệt vào năm 2016, Hàn Quốc ban hành luật mới có tên là Đạo luật chống hối lộ và tham nhũng càng làm cho lĩnh vực sản xuất hoa của quốc gia này vốn đã bị thu hẹp, nay thậm chí còn khó khăn hơn.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ hoa vào năm 2019 đã được phục hồi một chút. Thế hệ trẻ hơn đã bắt đầu thưởng thức hoa cắt tại nhà và một số người đang đăng ký mua hoa trực tuyến hàng tuần.
Quy mô, chủng loại sản xuất
Trái ngược với xu hướng trên toàn thế giới là số lượng nông dân giảm trong khi diện tích canh tác ổn định thì tại Hàn Quốc, diện tích canh tác và sản xuất cũng đã giảm trong hơn 10 năm qua. Trong đó, sự suy giảm trong sản xuất hoa cắt là đáng chú ý. Diện tích sản xuất hoa cắt đã giảm một nửa và sản lượng đã giảm một phần ba. Nhiều người trồng hoa đã thay đổi cây trồng của họ thành rau.
Các tỉnh Gyeonggi và Gyeongnam là những khu vực sản xuất lớn nhất cung cấp hoa cho Seoul và Busan- hai thành phố lớn nhất ở Hàn Quốc.
Hoa hồng, hoa cúc, hoa ly và hoa cẩm chướng là 4 loài hoa được cắt lớn nhất ở Hàn Quốc năm 2017. Hoa hồng là loai hoa phổ biến nhất và được tiêu thụ quanh năm. Hoa cúc chủ yếu được sử dụng cho tang lễ. Hoa ly được sản xuất cho thị trường nội địa và Nhật Bản. Tiêu thụ cẩm chướng tập trung vào ngày Cha mẹ và ngày Nhà giáo vào tháng 5. Để đáp ứng nhu cầu trong tháng 5, Hàn Quốc phải nhập khẩu cẩm chướng từ nước ngoài.
Cây cảnh được trồng chủ yếu tại các nhà kính màng nhựa hoặc sân vườn. Hoa cắt được trồng chủ yếu trong nhà kính màng nhựa. Vào những năm 1990, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã nỗ lưc để phát triển mô hình trồng hoa trong các nhà kính hiện đại, tuy vậy hầu hết đều thất bại vì các khoản đầu tư không được trả hết. Người tiêu dùng Hàn Quốc đã không để mắt đến những bông hoa chất lượng cao được thu hoạch từ các nhà kính.
Xuất, nhập khẩu hoa, cây cảnh
Xuất khẩu cây cảnh đã giảm đáng kể từ năm 2010. Hơn một nửa số hàng xuất khẩu là hoa cắt cành và hoa ly chiếm 61% lượng xuất khẩu hoa cắt. Khoảng 60% cây cảnh và 100% hoa ly cắt cành được chuyển đến Nhật Bản.
Ngược lại, nhập khẩu cây cảnh tăng đều đặn kể từ năm 2005. Nhập khẩu từ Hà Lan và Thái Lan đã tăng trong 3 năm qua trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan đã giảm nhẹ. Xu hướng ưa chuộng hoa nhập khẩu của người tiêu dùng Hàn Quốc tăng lên. Khi ngành hoa địa phương đang bị thu hẹp, người tiêu dùng Hàn Quốc ngày càng tin tưởng vào hoa cắt nhập khẩu với chất lượng cao hơn và giá thấp hơn kể từ năm 2011 và sẽ là cơ hội cho các nhà xuất khẩu Hà Lan. Hoa cúc là loại hoa cắt lớn nhất được nhập khẩu vào Hàn Quốc vào năm 2018, sau đó là hoa cẩm chướng, hoa hồng, hoa lan và hoa tuy líp.
Hệ thống phân phối
Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập 8 “chợ Cổ phần’ (có sự góp vốn của Nhà nước), hoa cây cảnh trên toàn quốc vào những năm 1990 để hiện đại hóa hệ thống phân phối. Giá được thiết lập thông qua đấu giá. Nông dân và nhà bán lẻ được kết nối thông qua các nhà bán buôn trên thị trường. Chợ hoa Yangje ở Seoul là chợ hoa bán buôn lớn nhất trong số các chợ hoa do Chính phủ đầu tư, chiếm 52% tổng số hoa được bán trên thị trường. Tại đây có một trung tâm đấu giá hoa và chủ yếu phân phối các loại hoa được trồng tại địa phương (37%cây cảnh và 65% hoa cắt).
Chợ hoa tư nhân lớn nhất ở Hàn Quốc là Chợ hoa bến xe buýt tốc hành Gangnam ở Seoul. Chợ hoa này chủ yếu phân phối các loại hoa nhập khẩu. 40% số hoa giao cho các đại lý bán lẻ và người bán hoa ở khu vực Seoul và 50-60% còn lại được bán cho những người trung gian sống ở các thành phố lớn khác như Gangneung, Daejeon, Daegu, Gwangju.
Trong nhiều thập kỷ, người tiêu dùng Hàn Quốc đã mua hoa trong các cửa hàng nhỏ ở mỗi làng, chủ yếu cho các mục đích sử dụng riêng lẻ. Đối với các dịp lễ và kinh doanh, mọi người thường đặt hoa trực tuyến hoặc qua điện thoại. Có rất nhiều cửa hàng hoa trực tuyến nhỏ hoặc các cửa hàng hoa giao hàng tận nhà.
Gần đây, một số cửa hàng trực tuyến như Kukka không làm việc với các cửa hàng ngoại tuyến, mà họ tự làm hoa và giao trực tiếp cho người tiêu dùng. Bằng cách này, dịch vụ kinh doanh đặt hoa của họ đang thành công.
Theo Tạp chí VNHS
Tin tức khác