Hành trình bonsai xuống nước
Những tác phẩm bonsai độc đáo đã không còn xa lạ với những ai yêu môn nghệ thuật này. Ngày nay, các nghệ nhân còn rất sáng tạo khi làm nên những diện mạo mới cho bonsai, điển hình là việc đưa bonsai xuống nước hòa mình vào không gian thủy sinh. Chuyện ngắm cá, tôm bơi lội tung tăng quanh gốc bonsai đã trở thành thú chơi mang lại nhiều cảm giác thật mới mẻ.
Hồ thủy sinh – nhà mới cho bonsai
Hồ thủy sinh sống động, mát mắt với những gốc bonsai đẹp, lạ có thể dễ dàng làm mê đắm những ai ngay lần đầu chiêm ngưỡng. Ngoài lý do thư giãn và để làm đẹp không gian, một số người còn mê hồ thủy sinh vì tin vào phong thủy. Nhiều người tin rằng, hồ thủy sinh mang đến nguồn năng lượng rất tốt. Ngoài việc tạo không gian đẹp, hồ thủy sinh còn hút tài lộc và thịnh vượng cho người chơi. Những người mang mạng thủy được cho là rất thích hợp chơi hồ thủy sinh. Họ thường sử dụng thêm tông màu đen từ màu sắc của tôm, tép, cá kết hợp với các tông màu trắng và sắc ánh kim vì kim sinh thủy.
Thú chơi bonsai hồ thủy sinh khiến người chơi phải đầu tư khá nhiều công sức chăm sóc. Để có một hồ thủy sinh đẹp, người chơi phải đảm bảo đủ các yếu tố như hồ nước, ánh sáng, khí CO2, nhiệt độ nước... Ngoài ra, họ phải đầu tư khá nhiều những cây trang trí như dương xỉ, rêu, trân châu, cỏ đậu nành, phượng vĩ đài, đàn thảo, cỏ lá tròn, cỏ đăng tâm, rong cúc, thanh hồng điệp… cùng các loại cá và tép.
Sau một thời gian, các nghệ nhân thường thay đổi một chút để tạo sự mới mẻ bằng cách thêm các thiết kế những dòng sông nhân tạo mini, thay dáng gỗ lũa để tạo dáng mới cho cây bonsai...
Những người chơi bonsai trong hồ thủy sinh chưa có kinh nghiệm cần nhờ đến bàn tay của những thợ thiết kế hồ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người đam mê có thể tự học hỏi dần và rút ra kinh nghiệm để có thể tự tạo ra một hồ thủy sinh theo đúng ý tưởng của mình.
Gỗ lũa làm nền móng cho bonsai thủy sinh
Ai cũng biết, trồng, cắt tỉa và chăm sóc cây bonsai là những công việc rất khó khăn. Muốn cây bonsai sống khỏe, đẹp, phải thường xuyên cắt tỉa và uốn cành để giữ dáng cho cây. Thời điểm để làm việc này là mùa xuân trước thời điểm cây bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Việc tưới nước cũng phải tiết chế, điều độ và phù hợp với từng loại cây bởi nếu không thì nhẹ nhất là cây bị nấm, còn nặng hơn là cây bị úng nước mà chết. Thế nên khi nhìn thấy bonsai nằm ẩn mình trong nước mà vẫn tươi tốt, nhiều người thậm chí cả những chuyên gia trong nghề cũng vô cùng ngạc nhiên.
Các loại thực vật thủy sinh phát triển rất nhanh nên phải cắt tỉa thường xuyên nếu không sẽ phá vỡ hình dáng của hồ. Mỗi tuần phải thay nước một lần, đèn trong hồ phải luôn chiếu sáng, ít nhất 12 tiếng/ngày; nếu thời tiết nắng nóng thì phải dùng quạt để làm mát nước.
Trồng cây bonsai đã khó, hành trình mang bonsai xuống hồ thủy sinh lại càng khó khăn hơn rất nhiều lần. Bonsai dưới hồ thủy sinh thực chất được tạo hình từ gỗ lũa.
Gỗ lũa là phần gỗ còn lại của cây đã chết sau một thời gian dài chịu sự tác động của nấm, vi khuẩn, đất, nước, gió, nhiệt độ … Nó có thể là gốc, rễ, cành, lõi hoặc giác của cây. Phần gỗ này rất cứng, chịu được mối mọt. Nó có những đặc tính rất kì lạ: gỗ siêu bền, thách thức thời gian và thời tiết (nhiệt, nước, áp suất), chịu được mọi va đập, rơi rớt, hầu như không bị nấm trắng (nấm mảng phấn), nấm hạt cải… và cực kỳ ít bị ốc, sên bám gây nhớt. Với những ưu điểm vượt trội trên so với các loại gỗ khác thậm chí các loại đá cảnh, gỗ lũa rất được giới nghệ nhân chơi bonsai hồ thủy sinh ưa dùng. Người ta nói, gỗ lũa là do Thiên Địa tạo hóa mà thành, nhìn cục lũa là đã thấy cái nét tình của tạo hóa.
Gỗ lũa bonsai có 5 kích thước chủ yếu: lũa bonsai cỡ nhỏ, lũa bonsai tiêu chuẩn, lũa bonsai cỡ lớn, lũa bonsai cỡ lớn hơn và lũa bonsai khổng lồ. Gỗ lũa bonsai được các nghệ nhân lành nghề làm thủ công rất cẩn thận, tỉ mỉ. Những gốc lũa bonsai càng độc đáo càng nâng cao giá trị của bể thủy sinh. Từ những khúc gỗ khô cằn, người chơi phải tạo hình bằng mùn cưa hoặc keo dán. Lũa có nhiều loại: linh sam, trắc, đỗ quyên... Quan trọng là tìm dáng hợp với ý mình tạo hình, rồi cắt ghép lại. Riêng tán bonsai thường được làm từ rễ của cây chè đã được xử lý vỏ. Tay nghề của người làm quyết định tuổi thọ của bonsai. Có cây chỉ vài tháng là gãy ngay mối dán, có cây có thể sống đến vài năm.
Một trong những bí quyết để bonsai trong hồ thủy sinh được bền lâu là sau khi ghép lũa xong phải luộc qua nước sôi để giảm bớt sự ra màu từ cây và bớt đi mùi keo rồi ngâm lũa vào nước thêm một tuần nữa trước khi cho xuống hồ thủy sinh. Công đoạn sau cùng là trồng thêm rong rêu lên tán cây gỗ lũa để tạo hình cho bonsai.
Ngoài việc tạo hình bonsai, trồng thảm thực vật, người chơi còn phải đầu tư vào những con tép màu sắc rực rỡ, nhỏ hơn đầu ngón tay út hoặc cá cảnh nhập ngoại. Tùy theo túi tiền mà người chơi có thể chọn giống tép thích hợp. Hiện nay một số người chơi thường mua các loại tép giá mềm nuôi chung với một tép cảnh cao cấp để hồ thủy sinh của họ vừa đẹp lại vừa sang. Thức ăn cho tép cảnh phải là loại thức ăn công nghiệp được nhập từ Nhật hoặc Thái Lan.
Ngoài tép cảnh thì một số loại cá cảnh cũng đang được nhiều người tìm nuôi như cá huyết long thuộc họ cá Osteiglossidae. Giá cá huyết long phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: kích thước, trọng lượng và màu sắc toàn thân. Ngoài ra còn phải kể đến cá Koi Nhật có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng tùy theo kích thước, tuổi đời và nguồn gốc.
Có thể nói, cây bonsai đã giúp nâng nghệ thuật chơi bể cá lên một cấp độ mới. Hành trình bonsai xuống nước, được hòa mình, khoe dáng giữa hồ thủy sinh sinh động không thể chỉ gói gọn trong vài dòng. Dù phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, sau một ngày làm việc mệt mỏi, chỉ cần ngồi ngắm hồ thủy sinh với đàn cá, tép bơi lội tung tăng quanh những gốc bonsai tươi tốt là đủ giúp mệt mỏi, phiền toái tan biến hết. Biết bao công sức, thời gian phải đầu tư vào hồ vẫn không làm những nghệ nhân nản lòng bởi họ đã “phải lòng” nghệ thuật làm vườn dưới nước độc đáo này./.
(Theo Plantdrafts, Microaquaticshop và tổng hợp)
Tin tức khác