Qua thời gian dài thị trường trồng hoa kiểng không còn thấy cây xương rồng bát tiên nhiều như trước đây. Đó là một loại cây kiểng đang được ưa chuộng của nhiều người chơi vì dễ trồng, dễ chăm sóc, dễ ra hoa, hoa bền và đa màu sắc, trổ quanh năm.
Việt Nam đã nhập giống xương rồng bát tiên từ năm 1994 và đến nay đã lai tạo ra trên 50 giống, không thua kém gì ở Thái Lan.
Bát tiên là loại cây thân có gai, có mủ đục, ít bệnh tật, có hoa quanh năm. Độ bền của hoa tùy theo giống, từ một tháng đến sáu tháng hoa mới tàn, kích cỡ hoa từ một phân đến bảy phân. Trong trường hợp có cành hoa nở tám bông người Thái gọi là tám vị tiên, cho nên thường gọi là cây bát tiên cho dễ gọi khi nhập về Việt Nam.
Cây bát tiên chịu nắng, không chịu đọng nước, trong trường hợp mưa kéo dài không thoát kịp thì phải dời chậu tránh mưa. Vì vậy, đất trồng phải bảo đảm dễ thoát nước. Tỷ lệ pha trộn đất trồng cây bát tiên như sau:
Đem các thành phần trộn với nhau rồi lấy chừng 3 - 6 muỗng canh viamin B1 Start pha 20 lít nước tưới vào, đem ủ thành đống 2 - 3 ngày mới trồng. Nên trồng bát tiên vào chậu sứ để giữ được độ ẩm, không quá nóng khi bị nắng và kích thước của chậu phải thích hợp, tán lá không nên vượt quá mép trong của miệng chậu. Có nhiều cách làm đất trồng cây bát tiên, tùy theo từng nơi, từng vùng nhưng phải thoát nước và xốp. Cây bát tiên trồng một thời gian thì phải thay đất bằng cách lấy lớp đất dưới và trên mặt ra, cho đất mới vào, đồng thời thay chậu lớn hơn chậu cũ.
Bát tiên cần tưới một ngày một lần nhưng có quên bỏ năm ngày không tưới thì cây vẫn không ảnh hưởng gì. Mỗi lần tưới phải để nước chảy ra dưới đáy chậu, nhưng về mùa hè thì đất mau khô nên tưới mỗi ngày hai lần sáng và chiều; nên xem đất trong chậu, đôi khi lá cây che phủ miệng chậu làm nước mưa không vô chậu, nhiều người khi thấy trời mưa thì không quan tâm đến việc tưới cây, làm cho cây chựng lại không phát triển. Khi cây đang ra hoa không nên tưới nước vào hoa, làm cho hoa bị thối hoặc rụng sớm.
Cây bát tiên phát triển nhanh hay chậm tùy thuộc vào cách chăm sóc sau đây:
Lâu ngày sau khi trồng cây bát tiên sẽ bị tiêu hao dinh dưỡng nên rất cần phân, phải bổ sung NPK theo công thức đều nhau hoặc P nhiều hơn vẫn được. Cụ thể, mỗi lần bón phân tùy theo độ tuổi cây, nên theo công thức 15–15–15 hoặc 15–30–15 với tỷ lệ thích hợp sẽ giúp cho cây phát triển nhanh.
Cây bát tiên cũng cần cắt tỉa khi ra nhiều cành và lá làm cho cây kém ra hoa và hoa nhỏ. Ngoài ra lá nhiều là nơi cư trú của côn trùng phá hoại cây. Cành cây cắt ra nếu không có bệnh thì đem trồng để nhân giống. Việc cắt tỉa cành sẽ giúp cho tán cây thoáng khí. Sau khi cắt cành, dùng vôi bôi vào vết cắt để đề phòng sâu bệnh gây hại qua vết cắt.
Cây bát tiên cũng cần tỉa lá vàng úa và hoa khô héo. Người trồng cây bát tiên phải siêng năng kiểm tra cây, nếu thấy có lá khô hoặc nụ hoa khô ở trên cây thì ngắt bỏ. Nơi này dễ sinh ra côn trùng có thể xâm nhập vào cây, rồi lan ra phá hoại các cành cây làm cho cây chết.
Xịt thuốc phòng bệnh và côn trùng phá hoại cây, vào mùa mưa có mưa dầm liên tiếp hoặc trong thời gian chuyển từ thời tiết lạnh sang nóng, có nhiều sương, đó là thời kỳ rất thích hợp cho sâu bệnh phát triển, cần xịt thuốc Cóc 85 (Đồng oxyclorua) để phòng bệnh trước, phun từ 7 đến 10 ngày một lần. Đối với các loại côn trùng phá hoại cây có thể dùng thuốc trừ sâu Comda gold. Các loại thuốc có ghi trên nhãn hiệu cách sử dụng cho cây trồng.
Dư Hữu Đức (Tạp chí Việt Nam Hương sắc tháng 1 năm 2020)
Tin tức khác