Phạm Thế Đang
Chủ tịch Hội SVC huyện Phù Cừ (Hưng Yên)
Đánh giá các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật (CCNT) đã khó thì đánh giá tác phẩm Bon sai càng khó hơn. Thưởng thức Bonsai khác với thưởng thức CCNT ở chỗ: Xem Bonsai người ta tập trung vào ngắm hoa và lá, là xem vẻ đẹp của toàn cây và sự hòa điệu của cây với chậu cảnh.
Vì vậy, muốn đánh giá tác phẩm bonsai thì người chấm thi tác phẩm cần phải trải qua bước thẩm định tác phẩm. Tôi rất tâm đắc với những gợi ý của GSTS. Ngô Quang Đê đăng trên Việt Nam Hương sắc số 309 (tháng 6 năm 2019) trong bài “Về gợi ý thẩm định tác phẩm nghệ thuật Bonsai”. Ngoài ra còn nghiên cứu bài viết của tác giả Lê Đình đăng trên Việt Nam Hương sắc (tháng 11 năm 2019) bàn về cái đẹp của CCNT; của tác giả Đình Uyên đăng trên Việt Nam Hương sắc (tháng 11 năm 2019) về nghệ thuật tạo hình cây cảnh Bonsai; của tác giả Nguyễn Tịch đăng trên VNHS (tháng 3, 4, 5 năm 2020)... Với tinh thần “học, hỏi, hiểu, hành” từ Việt Nam Hương sắc, chúng tôi đã đề ra một số tiêu chuẩn để mọi người trong Hội cùng biết về chấm thi các tác phẩm Bonsai dự thi, điểm tối đa là 100 điểm, gồm những tiêu chuẩn sau:
1. Đánh giá tổng thể tác phẩm (Tối đa 10 điểm).
Đây là công việc đầu tiên mà Ban giám khảo cần quan sát, về một tác phẩm Bonsai đẹp phải có sự hài hòa các yếu tố: Gốc, rễ, thân, cành, lá… không chỉ là cổ, kỳ, mỹ, văn mà còn là mối quan hệ giữa phong cách cây với chậu. Đồng thời phải có tính thẩm mỹ, sắp đặt bố trí để người chấm tác phẩm có cảm giác vừa quen vừa lạ, vừa có nét đẹp tự nhiên lại rất quyến rũ về nghệ thuật để ta có cảm tình ngay và thích thú. Đây là nét tổng thể của tác phẩm lọt vào tầm mắt của Ban giám khảo, tác phẩm nào không có nét hấp dẫn nêu trên thì loại ngay.
2. Đánh giá các bộ phận của tác phẩm Bonsai (Tối đa 70 điểm).
a. Gốc, rễ (15 điểm).
Gốc, rễ bonsai đẹp phải đạt 4 yêu cầu sau:
- Bộ gốc rễ to đặc trưng cho sự vững chắc.
- Được đôn cao tạo sự độc đáo.
- Có hình thù kỳ dị, hoặc hình con thú hoặc khác lạ.
- Có biểu hiện già cỗi (hang hốc, u bướu, chóc nứt vỏ, có rêu bám tạo dạng cổ thụ).
Mỗi yêu cầu này có thể cho không quá 3 đến 3,5 điểm.
b. Thân và vỏ (15 điểm), yêu cầu:
Thân Bonsai đẹp phải có các điều kiện cơ bản sau:
- Gốc to, thân nhỏ dần về phía ngọn.
- Phải có độ cong, lượn.
- Có độ lớn phù hợp với độ lớn của thân.
- Có nhiều biểu hiện già cỗi (hang hốc, nứt nẻ, soắn vặn, gấp khúc…) nhưng vẫn phải đảm bảo cho phần lá bên trên khỏe mạnh, xanh tốt.
Mỗi yêu cầu trên cho không quá 3,5 điểm.
c. Chi (15 điểm).
Chi đẹp là phải có sự hài hòa cân đối với cây và phải đạt các yêu cầu sau:
- Về vị trí: Mỗi vị trí trên thân chỉ có một chi, chi chỉ ở vị trí cong lồi của thân và không mọc ở nách và chỗ lõm của thân.
- Về hình dạng: Có độ cong lớn, có dạng đuôi chuột.
- Về kích thước: Chi dưới phải dài và lớn hơn chi trên.
- Về khoảng cách: Khoảng cách giữa các chi trên thân phải tương đối bằng nhau.
- Về hướng: Các chi phân đều các hướng, nhìn từ trên xuống không bị trùng chi.
Mỗi yêu cầu trên cho không quá 3 điểm.
d. Lá (15 điểm).
Yêu cầu:
- Lá là linh hồn sức sống của Bonsai, là hình ảnh của thiên nhiên thu nhỏ, là tâm tình nguyện vọng của người tạo cây. Do vậy:
+ Lá càng nhỏ càng tốt (5 điểm).
+ Thông thoáng (5 điểm).
+ Không được che phủ gốc, thân và các chi lớn, cân đối hài hòa với gốc, rễ, thân, chi (5 điểm).
e. Kích thước của cây (Lấy quy luật hài hòa là chủ yếu).
Tùy theo một tay bưng, hai tay bưng mà xác định kích thước, ví dụ đường kính gốc là 1 thì chiều cao tối đa là 7 hoặc chiều cao càng thấp càng tốt (10 điểm).
3. Quan hệ giữa cây và chậu (tối đa 20 điểm).
Yêu cầu:
- Biết đặt vị trí cây trong chậu (tối đa 5 điểm). Ví dụ cây tán đều trồng giữa chậu, cây tán lệch thì trồng ở một phía của chậu, cây thác đổ thì trồng ở mép trên của chậu…
- Biết sử dụng tốt mối quan hệ giữa cây và chậu (10 điểm).
Yêu cầu: “Cây lên chậu như Hoàng hậu lên ngôi”, cây đẹp nhờ sự hòa hợp của chậu, chậu đẹp nhờ mang hồn của cây.
+ Cây mọc thẳng đứng thì dùng chậu chữ thật bầu dục.
+ Cây mọc nghiêng thì dùng chậu có đường cong và sâu.
+ Cây thác đổ thì dùng chậu vuông hoặc tròn.
+ Cây dáng văn nhân thì dùng chậu hình lục giác.
+ Cây thân to dùng chậu sâu.
+ Cây thân lùn dùng chậu cạn đáy.
+ Nếu là rừng cây thì dùng khay…
- Màu sắc của chậu (5 điểm).
Yêu cầu:
+ Biết cách chọn màu chậu, ví dụ: nếu cây hoa đỏ thì chọn chậu màu xanh dương, nếu cây hoa có màu vàng nhạt thì chọn chậu có màu vàng sẫm, nếu cây hoa có màu trắng thì chọn chậu có màu vàng nhạt…
Với các quy định trên, chúng tôi phổ biến rộng rãi cho tất cả các hội viên có tác phẩm dự thi để không những Ban Giám khảo, mà mọi người đều làm giám khảo cùng chấm, cùng rút kinh nghiệm. Với cách làm này đã tạo được sự đồng thuận, thoải mái, không có “điều qua tiếng lại” sau mỗi lần chấm cây cảnh Bonsai.
Thấy việc làm của mình đạt kết quả tốt đẹp, xin mạnh dạn trao đổi để bạn đọc cùng tham khảo.
Theo Tạp chí VNHS
Tin tức khác