Lê Quang Khang
Chuyên gia Sinh vật cảnh
Là những người yêu cây, đặc biệt là CCNT thường ít ai bỏ qua những cuộc trưng bày và những nơi có cây đẹp. Gần đây, chúng tôi có phần mừng vui vì được thưởng ngoạn một số CCNT đẹp tại Festival hoa Đà Lạt, Festival SVC TP Hồ Chí Minh, rồi của Hà Nội, Nam Định, Hà Tây, Bắc Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Giang... tại các triển lãm Sinh vật cảnh. Mỗi cây mỗi vẻ vừa mang được bản sắc văn hóa vừa cách tân cho phù hợp với thời đại mới và hội nhập với quốc tế. Những cây đó đều có những đường nét kỳ dị ở bộ rễ, ở cành ngọn và đặc biệt là ở đường đi của thân cây. Trong số đó, cây nào có nhiều đường nét kỳ dị được xếp vào loại độc đáo có một không hai là hút hồn người thưởng ngoạn. Xưa nay, ở Việt Nam cũng như thế giới những cây cảnh có giá trị cao phải là những cây được tuyển chọn kỹ, nuôi trồng đúng cách và dày công tạo dựng cả đời, thậm chí nhiều đời mới trở thành kỳ mộc. Rất tiếc là loại CCNT đẹp ở ta hiện nay chưa nhiều khiến nhiều người rất băn khoăn:
Một là sau một thời gian dài, những người làm nghề thường sao chép lối cổ, tạo nên hàng loạt cây cảnh mà ở nơi nào cũng na ná giống nhau và do chưa có năng lực "thổi hồn" cho cây nên đa phần cây cứng đơ, thiếu hấp dẫn, khiến cây thế hay kiểng cổ Nam Bộ bị chê oan. Hiện nay một số người đổi mới bằng cách tạo dựng kiểu "cây đa làng". Thoạt đầu đúng là loài đa, sau các loài cây khác như sanh, si, lộc vừng... cũng tạo dựng theo kiểu ấy, đến nay là khá phổ biến và có nơi đã đặt hẳn cho nó một cái tên chung là cây "dáng làng"? Trong những kiểu "cây đa làng" này ta thấy có một số cây khá bắt mắt, thể hiện sự kỳ công trong tạo hình, đặc biệt là trong nghệ thuật cắt chuyền. Còn lại đa phần "cây đa làng" đại loại đều có một bệ gốc rễ tỏa đều bốn phương tám hướng, đặt ngồi trên đá chứ không phải như nó tự mọc, bám, ôm đá; một đoạn thân to đơn giản lên thẳng; một hệ thống cành lá tỏa đều xung quanh được cắt tỉa thưa thoáng; một loạt rễ phụ nhiều khi rậm rịt bám xung quanh thân cây hoặc từ các cành phóng thẳng xuống đất. Chúng tôi băn khoăn liệu đây đã phải là CCNT hay chỉ là cây cảnh tự nhiên giống như cây bóng mát thu nhỏ. Phải chăng đây là sự thụt lùi về nghệ thuật?
Hai là hiện tượng khai thác cây cổ thụ dã sinh một cách không chọn lọc về làm cây cảnh. Người ta đã đào những cây thân to như cột đình, như thùng phi, phải dùng cần cầu và xe tải ngoại cỡ để chuyên chở thì sao gọi là CCNT được? Vừa phạm tội tàn phá môi sinh vừa là hành vi bôi bác CCNT. Xưa nay ở Việt Nam cũng như thế giới, CCNT có ba cỡ: cỡ mini có thể bê một tay, cỡ trung bình người lớn bê hai tay, cỡ đại vài ba người khênh (cả chậu), chỉ cây công trình mới phải dùng tới cần cầu. Mặt khác, cây đã to lại già nên không thể uốn nắn chơ thân cây có đường nét nghệ thuật được và vết cắt thân để hạ chiều cao to như cái mặt thớt cỡ đại không bao giờ ngậm sẹo, thật là khó coi. Rồi đến việc tạo dựng hệ thống cành, một nguyên tắc là đường kính gốc cành thường bằng 1/3 tới 1/2 đường kính thân cây nơi cành xuất phát, nhưng với một cây khai khác, thân đã to bằng cột đình bây giờ mấy nhánh mới phát sinh bằng cái đũa để làm cành, vậy đến bao giờ mới đạt tỷ lệ trên?
Vẫn biết khai thác cây dã sinh cũng là một nguồn cung cấp cây phôi nhưng phải là cây không vượt quá tầm cây cảnh cỡ đại. Mặt khác cây dã sinh phải có sẵn những đường nét "trời cho" để tạo tác CCNT. Vậy xin hãy để cho những cây cổ thụ ở yên vị trí của nó ngoài thiên nhiên. Trừ những trường hợp chúng nằm trong khu quy hoạch mới như lòng hồ thuỷ điện chẳng hạn, buộc phải huỷ đi. Chúng ta cần khai thác tận dụng, di đời về nơi khác tái trồng để tạo cảnh quan. Ta tạo tác và gọi là cây đại cảnh chứ không thể là CCNT được.
Ba là việc sản xuất cây phôi đại trà hầu như không mấy ai gia công tạo đường nét mới lạ cho cây ngay từ bé, nhất là lúc cây bánh tẻ. Hiện nay, xuất hiện rất nhiều vườn ươm, có nơi còn chuyển đổi cả cánh đồng trồng lúa sang gieo ươm cây phôi, nhưng hầu hết là để cây phát triển tự nhiên rồi bán như cây giống môi trường. Cho nên cây phôi càng to, mua về càng khó tạo dựng CCNT. Có lẽ đây cũng là một nguyên nhân sinh ra kiểu cây "dáng làng". Thiết nghĩ người sản xuất cây phôi cần nâng cao tay nghề để tạo cho vườn cây phôi của mình có muôn vàn đường nét riêng rất khác nhau để vừa nâng cao giá trị kinh tế của cây phôi vừa làm tiền đề cho việc tạo hình CCNT sau này.
Trên đây là nỗi băn khoăn của hầu hết những người chơi và tạo tác cây cảnh nghệ thuật hiện nay ở nước ta, mong muốn tìm ra được hướng đi đúng đắn trong nghệ thuật vô cùng hấp dẫn này.
Theo Tạp chí VNHS
Tin tức khác