1. SỐC THUỐC
- Movento là một loại thuốc trừ bọ trĩ, rệp… công nghệ sinh học cực kỳ an toàn và hiệu quả; liều dùng 1cc pha 1 lít, phun đẫm rễ, giá thể, lá, thân. Nhưng với tâm lý sợ không hiệu quả, bạn pha hẳn 3cc 1 lít vì nghĩ nó là dạng thuốc sinh học, ngay hôm sau bạn sẽ thấy lá chuyển màu, ngọn có vẻ mềm mềm, đầu rễ sun lại.
- Physan 20 là thuốc diệt nấm khuẩn và rêu nhớt rong… liều 1cc 1 lít (nếu bạn pha hẳn 3cc 1 lít, ngày mai lan gục hẳn ngọn luôn, cháy nâu rồi thành đen ngọn và lá chỉ sau 2 ngày).
- Trên bao bì nhiều loại thuốc chỉ hướng dẫn cách pha cho rau màu, lúa và cây công nghiệp hoặc ăn trái, không có liều cho lan. Bạn nên dùng liều cho lúa hoặc rau, tuyệt đối không nên dùng liều cho cây ăn trái và cũng không dùng thuốc chuyên dùng cho cây ăn trái và cây công nghiệp để áp dụng cho lan.
- Vậy sau khi phun thuốc có cần rửa không?
Rất khó để một chàng nông dân như tôi trả lời câu này cho chuẩn, vì tôi chưa thử qua hết các loại thuốc nhưng tôi biết chắc chắn nếu dùng Agrifos 400, Physan20, Benkona, Benkocid thì nên rửa khi nhiệt độ lên trên 33 độ. Còn thuốc dạng bột thì không cần.
Trường hợp dùng thuốc để chữa bệnh thì không nên rửa.
Tuy nhiên, 4 loại thuốc trên dùng chủ yếu là phòng dịch bệnh, chữa bệnh hầu như không dùng vì hiệu quả không cao.
XỬ LÝ LAN BỊ SỐC PHÂN HOẶC THUỐC
- Bước 1: Rửa lại toàn bộ lá, ngọn, thân, chậu, giá thể, bộ rễ bằng nhiều nước.
- Bước 2: Pha B12 liều 2cc pha 1 lít nước tưới ướt đẫm ngọn, rễ, thân, lá và giá thể. B12 phải là loại nguyên chất thì hiệu quả mới cao, B12 có lẫn sắt hoặc canxi hiệu quả giảm hẳn, thậm chí còn làm cây ngộ độc thêm sắt và canxi. B12 là loại cho người hoặc động vật có bán ở tất cả các nhà thuốc tây hoặc thuốc thú y.
- Bước 3: Treo lan chỗ mát, thoáng, khô ráo sạch sẽ tránh nhiễm trùng cơ hội. Nếu bị cả giàn hoặc không có chỗ cách ly thì nên phun Nano Kito liều 3cc pha 1 lít nước ướt đẫm toàn bộ lan và nền giàn…
- Bước 4: Mỗi ngày phun B12 một lần, phun liên tục 3-4 lần. Sau đó quay lại chế độ chăm sóc ban đầu. Lưu ý nhiễm trùng cơ hội, nghĩa là lưu ý lúc tế bào đang tổn thương rất dễ bị thối nhũn do vi khuẩn.
Nếu bạn thấy vết bỏng quá nặng và muốn làm dịu cây hơn, làm lành vết thương nhanh hơn, bạn có thể dùng chất gel trong bẹ nha đam (lô hội) xay nhuyễn rồi pha loãng để phun lên toàn bộ lá và thân bị bỏng phân thuốc. Liều lượng thì không có liều cố định vì đặc quá thì phun không được. Nếu không phun, bạn có thể làm một chậu dịch nha đam rồi nhúng lan vào rồi vớt ra cũng được. Hai tiếng sau rửa sạch bằng nước lã là được, làm bao nhiêu lần tùy vào trực giác cảm nhận của bạn với cây lan (thường là 3 lần, ngày 1-2 lần).
- Bước 5: Quan sát lá vàng và khô từ từ qua thời gian. Cây không chết, ngọn không thối là được. Di chứng của sốc phân thuốc có khi sẽ kéo dài hàng tháng và bài học sẽ là cả đời.
LỜI KẾT
Nhiều bạn tưởng lan bị bệnh nhưng thực tế là sốc phân thuốc. Chính vì thế, bạn nên xem hình và có sự so sánh. Vì cây đang sốc lại tưởng lan bệnh rồi phun thuốc bệnh, cây lại càng sốc nặng hơn, tốn tiền và công sức vô ích.
Sốc phân - thuốc biểu hiện rất giống thán thư, cũng giống bệnh khô vằn, cháy nắng, thối nhũn, có khi lại giống chết nhanh và có lúc giống bệnh héo xanh, giống thiếu chất… nên không có hình và không khai báo chế độ phân thuốc, liều lượng và chế độ tưới, vùng miền và ánh nắng… thì chịu thua, không thể tư vấn được.
Lưu ý: B12 không phải thần dược, không phải phân kích rễ, không phải thuốc làm lành vết thương cho cây.
Hình ảnh trong bài là từ vườn của tôi và từ nhiều người gửi hình nhờ tôi tư vấn trong 2 tháng trở lại đây, đều đã làm như bài và có hiệu quả. Hình ảnh phải được đối chiếu thực tế mới kết luận được là bị vấn đề gì, tránh tình trạng bốc 1 tấm ra và không có dữ liệu đi kèm sẽ gây tranh cãi và kết luận không chính xác. (Bài đã được đăng trên Tạp chí Việt Nam Hương sắc số 315 tháng 12 năm 2019)
Nguyễn Ngọc Hà
Tin tức khác