Trong tất cả thú vui tao nhã, có lẽ nghề chơi và huấn luyện chim cảnh là công phu nhất. Do đó, nếu thiếu đi niềm đam mê thì mấy ai hiểu được giọng điệu hỉ, nộ của chúng.
Trong cảnh giới nghệ thuật chơi chim, người ta phân chia chúng thành nhiều loại khác nhau như: chim hót, chim chọi và chim nói… Riêng ở Hậu Giang, những người chơi chim chuộng nhất là chim hót, bao gồm: họa mi, chích chòe than (chìa vôi), chích chòe lửa, chim sâu đầu đỏ, chào mào, cu đất. Mỗi loài chim đều có nét đẹp, màu sắc, dáng bộ và giọng hót kỳ diệu khác nhau. Theo đó, chích chòe than thánh thót, véo von; họa mi ca sĩ rừng xanh cao vút, trầm hùng; chào mào thì hào sảng, tươi vui; còn giọng chim cu man mác nỗi buồn, gợi nhớ hồn quê da diết.
Như thói quen, trời mới rạng sáng là ông Đặng Văn Đổng, ở ấp 4, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, mang nhiều lồng chim cảnh ra để nghe tiếng hót.
Vui thú tiêu dao
Dưới tia nắng ban mai, ngồi nhấp ngụm trà nóng, ngắm mấy nhành hoa phong lan khẽ đưa trước gió, ông Đặng Văn Đổng, ở ấp 4, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, thong thả ngâm vài câu thơ:
“Thế sự ai mà chẳng bị ngu
Thú vui nhàn nhã cuộc ngao du
Ẩn dật điền viên xem cảnh trí
Tiêu dao sóng nước ngắm trời thu”.
Hóa ra, cái thú vui của việc chơi chim cảnh là thế, khi chất nghệ sĩ dâng cao hòa vào nỗi niềm đam mê theo cái triết lý “trọng nghĩa khinh tài” thì cho dù có người đem đến tiền cọc, vàng khoen cũng không thể nào đổi lấy được con chim quý, hót hay, nhảy đẹp. Vì thế, trong không gian nhà rộng thoáng, xây theo kiểu mái Thái hiện đại, ông Đổng vẫn ưu tiên dành riêng một góc đặc biệt để treo hơn 10 lồng chim, với đầy đủ các loại như: họa mi, chìa vôi, chích chòe lửa, xen lẫn với những chậu hoa lan Dendro càng tô điểm cho ngôi nhà của ông thêm phần sang trọng.
Theo ông Đổng, ban đầu, thú chơi chim cảnh ở đây rất ít, nhà nào nuôi nhiều cũng chỉ khoảng 3 lồng, chủ yếu là chích chòe than. Tuy nhiên, đến khoảng năm 2014, môn nghệ thuật này mới bắt đầu phát triển và cuốn hút nhiều người chơi. Nhất là nó không phân biệt người lớn tuổi hay thanh niên, miễn ai có lòng đam mê thì có thể lựa chọn cho mình một loại chim yêu thích để nuôi.
“Hễ vào mỗi buổi sáng thứ 5 và chủ nhật hàng tuần, tại góc nhỏ của quán cà phê Mi Mi (ở ấp 4, thị trấn Nàng Mau), anh em chúng tôi hội tụ lại với nhau, mắc nhẹ hàng chục lồng chim lên giàn. Một mặt, tập luyện chim hót với nhiều giọng điệu riêng; mặt khác, cùng hàn huyên tâm sự, tận hưởng những thi vị tao nhã của cuộc sống”, ông Đổng chia sẻ về thú vui tao nhã của mình vốn đã hình thành hơn 1 năm nay.
Từ xưa, cổ nhân quan niệm rằng: “Chơi đồ cổ để giữ thần, chơi cây để giữ lễ, chơi chim để giữ chí”. Do vậy, những bậc thầy nuôi chim kiểng ở Hậu Giang đều thiết kế một khu vườn cảnh với đầy đủ cây, đá, cá, chim. Tất cả đều nhằm phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần thường ngày của con người.
Sở hữu một khu vườn đẹp, có chim, cây kiểng giao hòa, anh Phan Thành Châu, ở ấp 4, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, từ tốn giải thích: “Bao đời nay, dân gian thường có câu “Ở đời có bốn cái ngu: làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm trầu”. Cho nên, việc chơi chim cảnh khó tránh khỏi miệng đời khen chê. Thế nhưng, tìm thú vui nhàn nhã tiêu dao trong cái “dại”, từ bỏ lối sống bê tha, cờ bạc rượu chè thì đó mới có ý nghĩa sống thực thụ”. Qua đây, đủ thấy rằng người chơi chim cảnh luôn có tâm hồn nghệ sĩ để cảm nhận cái hay, cái đẹp và lặng lẽ hòa nhập thiên nhiên qua từng điệu múa, tiếng hót của các loài chim.
Nghề lắm công phu
Là tay chơi chim từ thuở nhỏ, anh Châu rất hiểu về tính nết và tập quán sinh sống của không ít loài chim. Đơn cử như muốn sở hữu một con chim chích chòe than, với phong thái uy dũng thì bắt đầu từ tháng 3 (âm lịch) hàng năm, anh cất công lùng sục khắp nơi, thậm chí đi xa để bẫy chim bổi về nuôi. Cho nên, khi bẫy được con chim bổi hoang dã thì lòng cảm thấy rất vui, nhất là thuần phục được chúng thành một kỳ điểu hội tụ đủ các yếu tố thanh, sắc, bộ, bền sẽ vô cùng quý. Ngược lại những con chim trái tính, trái nết, nhảy nhót lăng xăng trong lồng xem như mất giá trị.
Có thể nói, so với nghệ thuật chơi cây cảnh, chơi cá cảnh thì thú chơi chim cảnh tại Hậu Giang mới phát triển vài năm trở lại đây. Tuy vậy, các tay chơi và hiểu về chim của tỉnh nhiều vô số kể. Anh Nguyễn Minh Tâm, ở khu vực 1, phường III, thành phố Vị Thanh, là một trong những “cao thủ” huấn luyện chim cảnh. “Ra tiệm mua con chim hót giá vài ba triệu rất dễ, nhưng muốn huấn luyện được con chim “thầy” thì phải biết chọn chim bổi, có tướng mạo, tố chất nổi trội. Đặc biệt đối với chim họa mi phải có tướng quý ngũ trường là mình, chân, mỏ, đuôi, cổ chim phải dài. Ngoài ra, yếu tố quan trọng nhất chính là khâu cho ăn và kỹ thuật chăm sóc chu đáo”, anh Tâm khẳng định.
Thế nên, người đời mới có những câu nói ví von như “Mê chim hơn mê vợ” hay “Chăm sóc chim hơn chăm sóc con”, quả không sai tí nào. Bởi hơn 4 năm theo đuổi đam mê, anh Tâm thấy rằng nuôi chim cảnh cần chú ý kỹ khi thời tiết có sự thay đổi. Hơn hết là không nên thay đổi thức ăn đột ngột. Đồng thời trong quá trình nuôi, cũng cần phải cho chim phơi nắng và tắm rửa đều đặn, thỉnh thoảng đi bắt, hay mua cào cào, dế, sâu… để cho chim ăn dặm thêm. Còn ban ngày nên hé màn chữ A để lồng chim thông thoáng, đến ban đêm thì đậy màn kín, nhằm đảm bảo chim phát triển khỏe mạnh và hót hay.
Nhờ am hiểu nhiều về chim, cùng với cách chăm sóc công phu và độc đáo, anh Tâm đã sở hữu nhiều con “chim lửa”, với phong thái hót múa đỉnh cao. Cụ thể, anh đã nhiều lần tham gia và 2 lần đoạt giải khuyến khích trong các cuộc thi chim họa mi ở tỉnh Kiên Giang và chích chòe trên đất Cần Thơ. “Thú chơi chim cảnh độc đáo và công phu lắm, người mà có “máu” rồi thì không thể nào bỏ được. Đáng nói là khi có những con chim đạt giải nhất, nhì tại bất kỳ hội thi chim cảnh lớn nào, hay mấy con đột biến gen thì dù có bỏ ra đến chục triệu cũng không thể nào mua được. Bởi, đối với họ, chim giống như bạn tri âm, tri kỷ, để trò chuyện hay tâm tình trong lúc vui buồn”, anh Tâm quả quyết.
Theo thời gian, thú chơi chim cảnh không dừng lại ở nét đẹp nghệ thuật dân gian thuần túy mà từng bước nâng lên tầm cao mới, với một quan niệm sống mới. Vì thế, đâu nhất thiết phải là tình yêu thương giữa người với người, mà cũng có thể là tình người với chim luôn hòa quyện, gắn bó mật thiết lẫn nhau, giống như bài thơ “không đề”, viết theo thể thất ngôn bát cú đường luật dưới đây:
Thánh thót âm vang mới dụng mi
Giọng đồng trong trẻo ít ai bì
Phi cầm cũng có loài cao thấp
Tẩu thú vậy mà được thích nghi
Vượn hú êm tay người tao nhã
Cu kêu hứng chí khách nhàn thi
Hồng sa, ngực chảy, đuôi dài mượt
Cẳng đỏ, mình thon tốt lạ kỳ.
(Sưu tầm)
Bài, ảnh: CHÍ CÔNG
Tin tức khác